(Baoquangngai.vn)- Những sản phẩm đặc trưng của đồng bào Hrê giờ đây đã có thêm điểm tiêu thụ thông qua đơn vị kết nối- HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ. Người có ý tưởng xây dựng HTX, tiên phong đi đầu, từng bước giúp bà con tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm là chị Phan Thị Quyến, 36 tuổi, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (huyện Ba Tơ).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ý tưởng đi trước đón đầu
Vào mùa hè, mùa mà đất trời vùng cao ban cho nhiều sản vật của núi rừng thì ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Quyến, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ luôn rộn ràng. Năm nào cũng vậy, đây là thời điểm bà con liên tục mang hàng hóa đến bán cho gia đình. Chị và người thân làm không ngớt các công việc phân ra loại nào bán tươi, loại nào dùng để chế biến lại mới bán.
Chị Quyến hiện đang công tác tại một đơn vị cấp xã ở huyện Ba Tơ. Mặc dầu công việc bận rộn, nơi làm việc lại xa hàng chục cây số nhưng với tính cách tháo vác, đam mê chế biến các món ngon, đặc sản của quê nhà và yêu thích buôn bán nên vài năm trở lại đây chị có thêm nguồn thu nhập riêng từ các đặc sản rừng thông qua hình thức bán hàng trên mạng.
“Mình có cơ hội để tiếp cận với các sản phẩm của bà con thu hái về. Đồng bào ở quê cũng thường xuyên mang đến để trao đổi, lấy tiền về mua gạo, sinh hoạt hằng ngày... Từ chỗ ban đầu một người biết mình có mối bán liên tục thì dần dà họ truyền tai nhau. Sau này cứ có gì là bà con đều mang đến... Không kể ngày hay đêm, tôi và người nhà lúc nào cũng có người trực mua"- chị Quyến kể về cơ duyên hợp tác với bà con để thu mua sản phẩm.
|
Chị Quyến tư vấn cho khách hàng về các đặc sản rừng được bày bán tại cửa hàng HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ.
|
Có một điều chị Quyến nhận thấy, đặc sản rừng do bà con lặn lội đi nương rẫy, có những sản phẩm quý phải băng lên tận các đỉnh núi trong vùng mới có được. Hay như cá niên phải cất công có khi cả ngày mới được một, hai ký.
Thế nhưng, nhiều nơi trả giá, thu mua không tương xứng. Đó là chưa kể, ở miền núi điều kiện còn khó khăn, bà con còn hạn chế trong cách bảo quản, chỉ cần "sơ sẩy" là nhiều người chẳng màng đến. Thế là bị ép giá, có khi cả ngày đi làm không có đồng nào, lại tốn cả thời gian ngồi lê la các lề đường, ngõ chợ để bán.
Xuất phát từ mong muốn có một điểm tiêu thụ đặc sản cho đồng bào Hrê, nhất là đồng bào ở huyện Ba Tơ, từ tiền tích lũy, chị đã huy động thêm nguồn vốn từ gia đình, bạn bè người thân để thành lập nên HTX. Sau một thời gian ấp ủ chuẩn bị, đến tháng 5.2019, HTX với tên gọi lấy từ một địa danh nổi tiếng trong vùng được hình thành ngay tại thị trấn Ba Tơ- HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ.
“Cầu nối” tiêu thụ đặc sản
HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ có sự tham gia của khoảng 15 thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân chuyên trồng, nuôi các cây, con nổi bật của huyện nhà và cả các hộ dân chuyên đi tìm, "săn" các đặc sản của núi rừng. Sự tham gia của các hộ dân đã góp phần xây dựng được một HTX phát triển bền vững, có một nguồn hàng ổn định.
"Từ khi có ý tưởng xây dựng HTX cho đến lúc thành lập, đi vào hoạt động luôn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, niềm động viên lớn nhất là niềm tin của các hộ dân đối với HTX", chị Quyên bày tỏ.
Dù chỉ mới đi vào hoạt động chưa đầy hai tháng nhưng HTX đã trở thành “cầu nối” thuận lợi đối với bà con nông dân, có cả cửa hàng trưng bày để phục vụ cho khách du lịch khi đến với Ba Tơ.
|
Người dân mang đặc sản rừng đến cung cấp cho HTX.
|
Trung bình mỗi tháng HTX thu mua và tiêu thụ khoảng 500kg đặc sản rừng các loại cho bà con như thịt trâu, cá niên, ớt xiêm, lá chè dung, mật ong, sim rừng, gạo lúa rẫy, các loại sâm, rau dớn, bồ ngót rừng, ốc đá...
Đặc biệt, để làm phong phú các sản phẩm, chị Quyến còn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều món ngon hấp dẫn, phục vụ mọi đối tượng khách hàng như ớt xiêm ngâm với sả rừng, rượu sim, rượu sâm...
Hay như món thịt trâu, trước đây nhiều người chỉ thường mua thịt tươi về chế biến thì nay có cơ hội thưởng thức món thịt trâu gác bếp đã qua hút chân không do chính tay chị chế biến.
Bước đầu, sau khi trừ các chi phí và trả lợi nhuận cho bà con, HTX thu về hơn gần 100 triệu đồng mỗi tháng. Thị trường tiêu thụ rộng mở khắp nơi. Bên cạnh việc bán sản phẩm trực tiếp thì hình thức bán hàng “online” qua mạng được chị Quyến ứng dụng, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng nhiều nơi.
Bà Phạm Thị Thủy, 45 tuổi, ở thị trấn Ba Tơ cho hay, trình độ dân trí của bà con, kiến thức và thông tin về thị trường tiêu thụ đều còn rất mù mờ. Chúng tôi chỉ biết sản xuất, nuôi trồng, chỉ biết vừa thu hái, vừa bảo vệ chứ không biết thị trường đang thừa cái gì, thiếu cái gì và cần cái gì?
“Chính vì lẽ đó, không ít người trong chúng tôi, trồng đến lúc thu hoạch hay tới mùa đi thu hái trên rừng vất vả vả, cực nhọc thì không bán được vì thị trường không cần nữa. Còn ở đây có bao nhiêu mang đến HTX đều thu mua hết”, bà Thủy nói.
|
Đến với HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ, du khách còn có thể mua những sản phẩm dệt của Làng Teng được may và trưng bày tại HTX.
|
Song song với việc giúp người dân tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng cao, chị Quyến còn liên kết với tổ hợp tác chuyên dệt, may thổ cẩm ở Làng Teng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tại cửa hàng của HTX còn có một không gian để dành cho nghệ nhân dệt hằng ngày và trưng bày các sản phẩm do mình làm ra.
“Ngày trước, sản phẩm mình làm ra không có nơi tiêu thụ. Thông qua chị Quyến và HTX mình đã có một nơi để thể hiện tài năng của mình, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra đã có nhiều khách hàng đặt từ trước. Thu nhập có khấm khá hơn”, chị Phạm Thị Im, ở thị trấn Ba Tơ chia sẻ.
Chặng đường phía trước đối với chị Uyên và HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ vẫn còn dài, với bao khó khăn. Việc cần làm trước tiên đó là đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm của HTX, tiến hành các bước đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm...
Với quyết tâm của mình, chị đang từng bước xây dựng HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ ngày càng phát triển, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà mà còn tạo ra cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp, cho đặc sản địa phương, góp phần thực hiện thành công đề án mỗi xã một sản phẩm.
Qua đó, giúp người dân có một nguồn thu nhập ổn định thông qua thị trường tiêu thụ rộng rãi, mang tính bền vững. Khách du lịch khi đến với Ba Tơ có không gian được thưởng thức, mang về những sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng cao sạch và an toàn.
Bài, ảnh: Thiên Hậu