Đồng hành cùng doanh nghiệp

08:06, 29/06/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực thi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Là một trong những hoạt động quan trọng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (7.1989 - 7.2019), ngày 2.7.2019 Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 với chủ đề “Quảng Ngãi – Đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhằm tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Quảng Ngãi.


Tiềm năng, thế mạnh vượt trội

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1,3 triệu người, bao gồm các vùng kinh tế: Miền núi, đồng bằng, đô thị và ven biển hải đảo, có thể đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đảo­.

Quảng Ngãi cũng có hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến Quốc lộ 1 nối liền Bắc - Nam; hệ thống đường sắt Bắc - Nam; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; cách sân bay Chu Lai khoảng 45km về phía bắc; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ hai bên trái) giới thiệu địa điểm đầu tư cho Tập đoàn FLC Ảnh: PV
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (thứ hai bên trái) giới thiệu địa điểm đầu tư cho Tập đoàn FLC Ảnh: PV

Đặc biệt, Quảng Ngãi có KKT Dung Quất được quy hoạch với diện tích hơn 45.000ha. Đây là một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và là một trong những KKT có những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, còn có KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN Phổ Phong...

Với chiều dài bờ biển khoảng 130km, Quảng Ngãi là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với các bãi biển đẹp như Bình Châu, Mỹ Khê, Sa Huỳnh… Trong đó, bãi biển Bình Châu được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam. Huyện đảo Lý Sơn với những nét hoang sơ hùng vĩ cũng đang là điểm dừng chân của du khách.

Lý Sơn cùng với Bình Châu đang được làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Riêng ở vùng núi khu vực núi Cà Đam (Trà Bồng), có độ cao 1.431m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình 210C, nên nơi đây hội đủ điều kiện phát triển du lịch sinh thái...

 “Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi; đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án”.

 Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG

Điểm đến của các nhà đầu tư

Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế; đồng thời ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá; hạ tầng công nghiệp, giao thông, đô thị được đầu tư nâng cấp mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Nếu như năm 1995, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên vào tỉnh có quy mô rất nhỏ, vốn đầu tư chỉ khoảng 0,42 triệu USD, thì đến năm 2018, toàn tỉnh có 61 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,76 tỷ USD, trong đó có 31 dự án đã hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, quản lý...


Đối với các dự án đầu tư trong nước, những năm đầu tái lập tỉnh chỉ có các xí nghiệp, nhà máy quốc doanh như một số nhà máy của Công ty Đường, Nhà máy Cơ khí An Ngãi, Xí nghiệp đá Mỹ Trang, Xí nghiệp đông lạnh và một số xí nghiệp sản xuất nông, ngư cụ...

Đến năm 2018, toàn tỉnh có 518 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 231.686 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, với quy mô lớn như: NMLD số 1 Dung Quất (3 tỷ USD); Nhà máy Polypropylene Dung Quất (232 triệu USD), Thủy điện Đăkđrinh (5.800 tỷ đồng)... và gần đây là dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát – Dung Quất (60.000 tỷ đồng), cùng nhiều dự án lớn đã triển khai và đi vào hoạt động. Qua đó, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh: Công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị, du lịch dịch vụ, hạ tầng KCN... Đồng thời, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, thể dục thể thao...

 

UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ “về việc hợp tác xúc tiến đầu tư và giao lưu kỹ thuật công nghệ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa” với quận Nam, thành phố Ulsan (Hàn Quốc).            Ảnh:TL
UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ “về việc hợp tác xúc tiến đầu tư và giao lưu kỹ thuật công nghệ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa” với quận Nam, thành phố Ulsan (Hàn Quốc). Ảnh:TL

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Quảng Ngãi.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, đối thoại, nhận diện về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư vào Quảng Ngãi. Từ đó, giúp tỉnh đề ra các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

MINH THẢO
 

 


.