(Báo Quảng Ngãi)- Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giúp diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở xã đạt chuẩn NTM cũng đang là vấn đề nan giải...
Chất lượng tiêu chí thấp
“Hiện nay, hơn 60% trường học các cấp trên địa bàn tỉnh có nguy cơ rớt chuẩn quốc gia, do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị dạy và học không đáp ứng yêu cầu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết. Để đạt chuẩn NTM, tiêu chí giáo dục phải đáp ứng: Trường học các cấp trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM đều được ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Một số trường học có nguy cơ "rớt chuẩn", ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học vì cơ sở vật chất xuống cấp (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, có trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2005-2010, nên địa phương không quan tâm đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn NTM. Do đó, ngoài việc cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp, thì hiện nay, những trường này còn thiếu các phòng chức năng, diện tích phòng học không đảm bảo, trang thiết bị thiếu thốn... Mặc dù vậy, những trường này vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, xây mới, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học, cũng như chất lượng NTM.
Đối với tiêu chí môi trường, dù đã quy hoạch khu tập kết rác thải sinh hoạt, nhưng hiện nay, các xã đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý. Đáng ngại nhất là tình trạng đổ rác tràn lan tại các điểm dọc quốc lộ, khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Chính vì vậy, đối với các xã NTM, việc duy trì tiêu chí về môi trường đang gặp rất nhiều thách thức. Ngoài ra, các tiêu chí như: Thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức và cả một số tiêu chí “mềm” như hệ thống chính trị, an ninh-trật tự xã hội... cũng hiện hữu nguy cơ “rớt chuẩn”.
Nỗ lực khắc phục
Năm học 2018-2019, huyện Đức Phổ thực hiện việc sáp nhập trường học các cấp, nên giảm được 7 điểm trường. Theo UBND huyện Đức Phổ, các trường được sáp nhập có số lượng học sinh ít, cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Vì vậy, sáp nhập các trường vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa tập trung được nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng.
Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến điều kiện cũng như chất lượng dạy và học, ngành giáo dục và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi thực hiện. Kết quả cho thấy, việc sáp nhập các trường đã mang lại hiệu quả tích cực. Năm học 2018-2019, các trường trên bước đầu hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Chính vì vậy, thời gian đến, huyện sẽ bố trí các nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, để tiếp tục đầu tư trang thiết bị; nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, nhất là hạng mục nhà vệ sinh cho học sinh.
Đối với tiêu chí môi trường, chính quyền cơ sở các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc tích cực, để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn. Theo đó, các đoàn thể ở thôn tổ chức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng các đoạn đường tự quản, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh... Đặc biệt, việc quy định cụ thể và công khai, minh bạch mức phí môi trường đã giúp hơn 90% hộ dân tự nguyện chấp hành, các tổ thu gom rác thải hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt việc sáp nhập trường học các cấp; cũng như quản lý hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải để duy trì tiêu chí giáo dục và môi trường. Hơn nữa, nhiều xã NTM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, để đầu tư duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
"Để không xảy ra tình trạng “rớt chuẩn” NTM, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các địa phương thì sắp đến, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá và tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng giải pháp, định hướng chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho biết.
MỸ HOA