Triển vọng tàu vỏ composite

03:06, 09/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đưa vào sử dụng từ tháng 10.2017, chiếc tàu vỏ composite của ngư dân Dương Văn Rin, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng thay thế vật liệu đóng mới tàu vỏ gỗ.

TIN LIÊN QUAN

“Ưu điểm của loại tàu vật liệu mới này là tính an toàn cao, khả năng bảo quản sản phẩm tốt và chi phí bảo dưỡng thấp”, ông Rin khẳng định. Sau gần 8 tháng hành nghề câu cá ngừ đại dương và làm dịch vụ hậu cần, chiếc tàu composite, công suất 850CV của ông Rin chưa bị trục trặc lần nào.

Theo ông Rin, do composite ít bị tác động của nước biển, nên chỉ cần lau chùi vỏ tàu; còn trọng lượng thì xấp xỉ tàu vỏ gỗ, nên tốc độ ổn định, giúp tàu hoạt động an toàn và hiệu quả. Tàu được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công nghệ led và hệ thống pin năng lượng mặt trời, nên tiết kiệm khá nhiều nhiên liệu. Vì vậy, dù phiên biển kéo dài 25-30 ngày, nhưng tàu ông Rin không phải bơm dầu, bơm nước nhiều lần như tàu vỏ gỗ.

 

Tàu vỏ composite của ông Dương Văn Rin cập bến sau khi ra khơi khai thác.
Tàu vỏ composite của ông Dương Văn Rin cập bến sau khi ra khơi khai thác.


Ngoài ra, hầm lạnh, boong tàu, ca bin, hầm máy được sử dụng kết cấu 3 lớp (kết cấu sandwich), nên giảm được độ ồn, độ rung và chống nóng, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt cho ngư dân. “Đặc biệt là hiệu quả giữ nhiệt của hệ thống hầm lạnh tốt hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ. Cả chuyến biển 25 ngày, nhưng đá vẫn còn gần như y nguyên, sản phẩm được bảo quản tốt, chất lượng đảm bảo, nên giá bán cao hơn”, ông Rin cho biết.

Là chiếc tàu composite đầu tiên của tỉnh, nên từ khi đưa vào sử dụng, chiếc tàu của ông Rin nhận được sự quan tâm của nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh. “Ngoài việc quản lý, vận hành, so sánh hiệu quả với tàu vỏ gỗ, tôi cũng đang tìm hiểu thêm chi phí đầu tư, bảo dưỡng”, ngư dân Nguyễn Đình Linh, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết.

Hiện nay, giá thành tàu vỏ composite xấp xỉ tàu vỏ gỗ, nhưng thấp hơn tàu vỏ thép cùng kích cỡ và trang thiết bị. Tuy nhiên, nếu sản xuất hàng loạt thì giá thành phần thân tàu composite thấp hơn so với vỏ tàu gỗ, vỏ thép cùng loại. Đối với việc bảo dưỡng, tàu composite 3-4 năm mới “làm nước” một lần, với chi phí khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, tàu vỏ gỗ phải “làm nước” mỗi năm 1-2 lần, chi phí 30 triệu đồng/lần.

Không chỉ có giá thành phù hợp, đảm bảo tính bền vững, an toàn và hiệu quả trong quá trình vươn khơi (vẫn hoạt động tốt với sóng gió cấp 7, cấp 8), sự phát triển loại tàu bằng vật liệu composite còn giải quyết tình trạng thiếu gỗ, góp phần bảo vệ rừng. Hơn nữa, theo Nghị định 17, ngư dân đóng tàu composite có công suất trên 800CV được hỗ trợ một lần 35% giá trị đầu tư đóng mới, nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.

Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 17, ngành thủy sản và chính quyền các địa phương nên khuyến khích ngư dân đóng mới tàu bằng vật liệu mới, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.