(Báo Quảng Ngãi)- Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) là doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất đường và các sản phẩm từ đường của cả nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sản phẩm của công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, nhất là sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động nên QNS đã vững bước hội nhập và phát triển...
TIN LIÊN QUAN
Duy trì tốc độ tăng trưởng
Niên vụ 2016 - 2017, các nhà máy đường và các công ty kinh doanh mặt hàng đường của QNS gặp nhiều khó khăn, bởi giá đường thế giới, trong khu vực và Việt Nam liên tục giảm; xuất khẩu đường qua Trung Quốc bị ách tắc, đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam số lượng lớn. Bên cạnh đó, theo lộ trình cam kết tại Hiệp định thương mại tự do khu vực Đông Nam Á (ATIGA), đến năm 2020, thuế suất nhập khẩu phải giảm về 0% và đầu năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường thô, đường trắng và đường tinh luyện trong khối sẽ được xóa bỏ, nên tác động mạnh đến ngành đường. “Mặc dù gặp khó khăn, nhưng QNS vẫn hoạt động hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 15%. Kết quả đó là nhờ lãnh đạo công ty đã linh hoạt trong quá trình điều hành, bắt nhịp kịp thời trước sự thay đổi của thị trường trong và ngoài nước”, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc QNS Võ Thành Đàng cho biết.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh. Ảnh: T.Nhị |
Hai sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của QNS thời gian qua là sữa đậu nành và mía đường. Trong niên vụ 2016 - 2017, QNS ép được hơn 1,45 triệu tấn mía và sản xuất được gần 140 ngàn tấn đường, chiếm 11,3% tổng sản lượng đường cả nước. Đối với sữa đậu nành, QNS đạt tỷ trọng 86,2% về thị phần và phân phối đạt 92% toàn quốc; có hơn 150.000 điểm bán trong 63 tỉnh, thành.
Cuối năm 2017, công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy Vinasoy Bình Dương, công suất giai đoạn I là 90 triệu lít/năm (giai đoạn II là 180 triệu lít/năm). Như vậy, hiện nay QNS có 3 nhà máy sữa đậu nành (Bắc Ninh, Quảng Ngãi và Bình Dương) đặt tại 3 miền của đất nước, với tổng công suất 390 triệu lít/năm. Đến nay, QNS cũng là một trong 5 doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Trong năm 2017, QNS cũng đã đưa Dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê vào hoạt động, hòa vào điện lưới quốc gia từ tháng 1.2018.
Với những kết quả đó, năm 2017, QNS đã đạt nhiều giải thưởng và danh hiệu uy tín, như “Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”, “Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam”, “Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhất Việt Nam” do Vietnam Report bình chọn và xếp hạng...
Năm 2017, tổng doanh thu của QNS là 7.739 tỷ đồng (đạt 104,6% kế hoạch), tăng 10% so với năm 2016. Trong đó, đường và sữa tiếp tục là hai sản phẩm kinh doanh cốt lõi, đóng góp doanh thu cao trong tổng doanh thu của toàn công ty. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.138 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.027 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với kế hoạch. Tổng tài sản đến 31.12.2017 đạt 6.999 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. |
Chủ động hội nhập
Để duy trì tốc độ phát triển và bền vững trong giai đoạn hội nhập, hiện nay QNS đang tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất... Năm 2017, Nhà máy đường An Khê đã nâng công suất lên 18.000 tấn mía/ngày, trở thành nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Công ty thực hiện đồng bộ ba chương trình “Hóa học hóa - Sinh học hóa - Cơ giới hóa” trong quá trình sản xuất, canh tác mía.
Trong đó, đầu tư hàng trăm thiết bị cơ giới để làm đất, chăm sóc, thu hoạch mía. Nghiên cứu khảo nghiệm, nhân giống, lựa chọn các loại giống mía phù hợp với từng vùng nguyên liệu. Hiện tại, công ty có hơn 400 máy kéo và hơn 1.000 thiết bị nông nghiệp khác và đã ứng dụng thành công công nghệ dẫn hướng lái tự động GPS nhằm tối ưu hóa trong công tác quản lý vùng nguyên liệu. Công ty hiện có vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước, với diện tích trên 30.000ha, được áp dụng quy trình canh tác mía hiện đại.
“Chiến lược của công ty trong thời gian đến là tiếp tục phát triển thị trường, tham gia các hội chợ trong, ngoài nước. Giá đường trong nước giảm là cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ đường phát triển như bánh kẹo, sữa đậu nành, nước ngọt... Tiếp tục đầu tư nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 TMN, đủ sức cạnh tranh với các nhà máy đường ở Thái Lan. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu mía để đủ nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê sản xuất, cung ứng cho thị trường hằng năm khoảng 600.000 - 700.000 tấn đường, đáp ứng 1/3 sản lượng đường cả nước và chế biến các mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu”, ông Võ Thành Đàng cho biết.
PHẠM DANH