(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong sáu huyện miền núi của tỉnh, điều kiện kinh tế của Minh Long còn nhiều khó khăn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng gặp nhiều trở ngại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến nay, xã Long Sơn đã có nhiều thay đổi đáng kể, hệ thống giao thông, điện, trường học... đã và đang được xây dựng kiên cố. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Đây là kết quả của việc nỗ lực trong xây dựng NTM của địa phương. Được chọn làm xã điểm trong xây dựng NTM, đến nay Long Sơn đã hoàn thành được 12/19 tiêu chí.
Các tuyến đường phần lớn đã được bê tông; đường làng, ngõ xóm được mở rộng, khang trang, sạch đẹp. Để có kết quả đó, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân địa phương tự nguyện hiến đất, đốn cây, phá bỏ tường rào để mở rộng nhiều tuyến đường... trị giá hàng trăm triệu đồng. Một kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng NTM của xã là công tác xóa đói giảm nghèo.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng giúp người dân Minh Long thoát nghèo. |
Tỷ lệ giảm nghèo của xã năm 2016 là 41,18%, đến nay theo thống kê sơ bộ đã giảm xuống còn 27%. Chị Hồ Thị Tưởng, người dân thôn Sơn Châu, vui mừng chia sẻ: “Năm 2014, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được cấp 1 con bò giống từ vốn chương trình NTM. Đến nay, từ bò giống sinh sản gia đình đã có thu nhập ổn định hằng năm và đã thoát nghèo”. Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn Võ Văn Gấm cho rằng, mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng những kết quả đạt được sẽ là động lực để địa phương và người dân nỗ lực hoàn thành chương trình xây dựng xã NTM.
Huyện Minh Long phấn đấu đến cuối năm 2017 là đưa xã Long Sơn đạt 15/19 tiêu chí; đến năm 2020 sẽ có 2 xã đạt chuẩn NTM là Long Sơn và Long Mai; các xã còn lại cố gắng phấn đấu mỗi năm đạt 2 -3 tiêu chí. |
Ngoài Long Sơn, trên địa bàn huyện Minh Long hiện có xã Long Mai cũng đã đạt 12/19 tiêu chí NTM, các xã còn lại đạt từ 7 – 9 tiêu chí. Do điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, nguồn lực trong dân hạn chế nên việc huy động vốn cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, kết quả đạt được đó là một sự cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận trong dân.
Trong 5 năm (2012-2017) triển khai thực hiện chương trình NTM, huyện Minh Long được đầu tư trên 196 tỷ đồng. Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, huyện đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế trong dân thông qua việc khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng, chăn nuôi bò nhốt chuồng, trồng lúa nước, cây ăn quả... Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân, như mô hình trồng lúa, chăn nuôi bò, trâu, trồng mía trên đất gò đồi... Nhờ đó, đời sống của người dân đã dần ổn định, thu nhập không ngừng được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 5% mỗi năm trở lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 40,98%.
Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ nhiều nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng NTM. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được hoàn thiện, làm được 68,86km đường trung tâm huyện, xã và đường trong thôn, xóm. Đầu tư xây dựng 5 trường học các cấp, 2 nhà văn hóa xã, nhà thi đấu thể thao trung tâm huyện, 6 đập dâng và kiên cố hóa 36 tuyến kênh...
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết: Để đạt được những mục tiêu chương trình xây dựng NTM đã đề ra, huyện tăng cường công tác thông tin để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phát triển nông thôn toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Từ đó, nâng cao nhận thức, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; phát huy vai trò chủ thể và tính tích cực của người dân, cộng đồng thôn, xóm và sự đồng thuận cao trong dân.
Bài, ảnh: VŨ YẾN