(Báo Quảng Ngãi)- Nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản... ven bờ đang tác động tiêu cực đến môi trường biển, trong khi đó công tác kiểm soát nguồn gây ô nhiễm đang gặp nhiều khó khăn.
Nước thải chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra biển đã và đang tạo ra nhiều áp lực, tác động tiêu cực đến tài nguyên - môi trường dải đất giáp biển và vùng biển ven bờ.
Hầu hết các chủ hồ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều xả thải trực tiếp ra môi trường biển, chứ không có hệ thống xử lý nước thải. |
Hưởng ứng ngày Nước thế giới (22.3) năm 2017 với chủ đề Nước thải, Sở TN&MT đã phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, treo băng rôn, áp phích... về các chủ đề bảo vệ môi trường nước, ô nhiễm nguồn nước, xả nước thải không qua xử lý... nhằm vận động cộng đồng dân cư sử dụng nước tiết kiệm, xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải sau khi xử lý, nhằm bảo vệ môi trường. |
Theo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng xả thải, ô nhiễm và công tác bảo vệ môi trường đới bờ tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 500ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm) phân bố ở vùng ven biển từ Bình Sơn đến Mộ Đức. Đây là nguồn nước thải có lưu lượng lớn, nồng độ các chất ô nhiễm cao.
Tuy nhiên, hầu hết các vùng nuôi đều không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra môi trường biển hoặc cửa sông. Tỷ lệ thu gom và có hệ thống xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa đến 10%. Và cứ 500ha nuôi tôm trên cát, nuôi tôm vùng triều sẽ xả thải ra môi trường gần 1 triệu mét khối nước thải trong một vụ.
Tại các khu vực cảng, bến cá, vũng neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh như cảng Sa Kỳ, cảng Lý Sơn, các chất gây ô nhiễm gia tăng theo từng năm. Ngoài ra, hoạt động khai thác, đánh bắt của hơn 5.500 tàu cá trên biển cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do quá trình rò rỉ dầu và những sự cố môi trường trong hoạt động giao thông vận tải biển. Trong 8 năm (từ 2007 – 2014), vùng biển Quảng Ngãi đã phải gánh chịu 6 sự cố tràn dầu trên biển...
Ngoài nước thải từ các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường biển còn đang chịu ảnh hưởng bởi lượng nước thải đến từ các khu dân cư ven biển. Sự gia tăng dân số khu vực ven biển, đã và đang là bài toán khó, tạo áp lực ngày càng lớn cho môi trường ven bờ. Bởi tại nhiều xã ven biển, người dân lắp đặt ống hoặc đào mương dẫn nước thải xả thẳng ra biển. “Không xẻ đường, đào mương dẫn nước thải ra biển thì chúng tôi đâu biết đổ nước thải đi đâu. Cũng bởi đất chật, người đông, đường thì rộng chưa tới 1m, nên làm gì có cống thoát nước”, bà Nguyễn Thị Bạo ở xã Bình Đông (Bình Sơn) cho biết.
Người dân ở Bình Đông (Bình Sơn) phải mở mương thoát nước ngay trên đường đi để xả trực tiếp ra biển vì không có hệ thống thoát nước. |
Ông Cao Văn Cảnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết: "Để có thể giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn nước thải, tỉnh cần phải xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu vực nuôi tôm tập trung như Mộ Đức, Đức Phổ; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trước khi xả thải ra môi trường.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện thủy nội địa về việc lưu thông, neo đậu, an toàn trang thiết bị và con người. Nhất là các tàu chở dầu khi vào các cảng trên, tuyến bắt buộc phải có đủ các giấy chứng nhận an toàn theo quy định và phải có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự với ô nhiễm dầu...".
Bài, ảnh: Ý THU