Huy động sức dân bảo vệ môi trường biển

07:06, 07/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do khâu thu gom rác, bảo vệ môi trường biển lâu nay chưa được chú trọng đúng mức nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình này, ở một số địa phương như Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã xuất hiện một số mô hình thu gom rác thải, bảo vệ  môi trường biển mang lại hiệu quả cao.

Tổ “tự bảo vệ môi trường”

Anh Võ Tấn Miên, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu là người đã phát động phong trào tự quản môi trường biển ở địa phương. Anh đang là tổ trưởng tổ “tự quản bảo vệ môi trường” thôn Châu Thuận Biển. Anh Miên chia sẻ: “Chúng tôi ở đây sống bám vào biển là chủ yếu. Sinh thái biển suy kiệt, môi trường biển ô nhiễm thì kinh tế cũng sa sút. Vì vậy, mấy anh em cùng thành lập tổ bảo vệ môi trường này”.

 

ĐVTN và cán bộ chiến sĩ LLVT ra quân làm sạch môi trường ven biển                              Ảnh: PV
ĐVTN và cán bộ chiến sĩ LLVT ra quân làm sạch môi trường ven biển Ảnh: PV


 Xã Bình Châu có bờ biển dài đến 19km. Hằng năm, rong mơ mọc lên khá dày. Loại rong này có giá trị kinh tế cao và cũng là loại thủy sản lọc nước làm tăng độ sạch cho nước biển. Đây cũng là môi trường thuận lợi để cá, mực, tôm về đây trú ngụ, sinh sản. Trước đây người dân khai thác rong mơ theo cách tận diệt, bất chấp những quy định và gây ảnh hưởng đến sinh thái biển. Thế nhưng từ khi có tổ tự quản ở các thôn, công tác tuyên truyền vận động hiệu quả nên ý thức người dân về bảo vệ môi trường sinh thái được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Kim, thôn An Hải cho biết: “Trước kia việc khai thác rong mơ diễn ra ồ ạt. Chưa tới mùa, chưa tới vụ là người dân đánh thúng ra biển vớt rong. Làm cá, tôm, mực không có chỗ trú ngụ, môi trường ô nhiễm. Từ ngày có tổ tự quản, bảo vệ môi trường biển, nên môi trường sinh thái ở đây ngày càng được cải thiện”.

Hiện tổ tự quản bảo vệ môi trường biển của mỗi thôn ở Bình Châu có từ 7 đến 15 người. Hằng tuần, các thành viên phân công nhau đến ven biển tuần tra và xử lý những trường hợp cố ý khai thác rong mơ khi chưa đến thời vụ. Ngoài ra, tổ tự quản còn tổ chức họp dân để phổ biến kiến thức cũng như tuyên truyền về bảo vệ rong mơ, bảo vệ nguồn sinh thái biển ở địa phương.

Hoạt động mới hơn một năm, nhưng  tổ tự quản đã làm thay đổi nhận thức của hầu hết bà con ở đây. Ông Nguyễn Tấn Vương- Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: “Việc thành lập đội tự quản bảo vệ môi trường biển là một việc làm mới, mang lại hiệu quả cao. Qua đó làm cho bà con sống ở ven biển của xã ý thức cao về việc bảo vệ môi trường biển bằng cách không khai thác rong mơ trái vụ mùa. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng khuyến khích bà con thành lập nhiều hơn nữa những tổ tự quản bảo vệ môi trường. Phát huy sức mạnh cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ cuộc sống của người dân”.

Xử lý rác thải vùng ven biển

Cũng giống như Bình Châu, Tịnh Kỳ là một xã ven biển, có môi trường sinh thái khá đa dạng. Tịnh Kỳ có hơn 2.300 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu. Ô nhiễm môi trường thường xuyên đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây. Đặc biệt, bờ biển của xã cong theo hướng vòng cung, nên nhiều rác thải ngoài biển dạt vào bờ và tấp vào nhà dân, bốc mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Hùng, thôn Kỳ Xuyên, Tịnh Kỳ cho biết: “Rác ở khắp nơi cứ tấp vào bờ biển, gây hôi thối không chịu được. Lượng rác ứ đọng ở đây ngày càng nhiều, người dân thì chưa có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ môi trường. Nên từ trước đến giờ vùng biển ở đây bị ô nhiễm nặng lắm”.

Việc quản lý tài nguyên môi trường biển ở Tịnh Kỳ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các vùng ven biển, đường lộ của xã Tịnh Kỳ trở nên sạch sẽ hơn khi đội thu gom rác thải của xã ra đời đã và đang làm tốt công việc của mình.

Kể từ ngày có đội thu gom rác thải của địa phương và lực lượng của Công ty môi trường, những ổ rác lớn dần dần bị triệt tiêu. Hằng ngày, xe gom rác thải của đội thu gom rác đến các hẻm, các vùng ven biển để quét dọn và thu nhặt rác. Chị Hoàng Thị Bé, thôn Kỳ Xuyên cho biết: “Hễ chiều lại là đội thu gom rác của địa phương và xe của Công ty môi trường bắt đầu đi gom rác. Dần dần, những bãi rác to tưởng chừng không thể giải quyết được của thôn cũng đang được xử lý hết”. Qua hơn một năm hoạt động, đội thu gom rác của xã và lực lượng môi trường đã xử lý hơn 70% lượng rác thải sinh hoạt trong toàn xã. Nhờ đó, môi trường biển ngày càng được cải thiện hơn.

Ông Võ Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: “Bảo vệ môi trường biển là một việc cấp thiết và quan trọng của địa phương. Chúng tôi đã tuyên truyền và hướng dẫn bà con khai thác thủy, hải sản một cách hợp lý. Đảm bảo đúng thời điểm, đúng quy cách. Nghiêm cấm khai thác bằng thuốc nổ. Hằng tháng, chính quyền đã huy động các lực lượng thanh niên, nông dân… trong xã tổ chức thu gom và xử lý rác thải ở các thôn. Bên cạnh đó, xã còn kêu gọi toàn dân đóng góp kinh phí bảo vệ môi trường”.

Việc thành lập tổ, đội, nhóm tự bảo vệ tài nguyên và môi trường biển ở Bình Châu và Tịnh Kỳ là việc làm thiết thực và cần được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, nhất là các xã ven biển để góp phần bảo vệ môi trường biển, cũng như môi trường sống của chính mình.

ĐÌNH DIỆU
 


.