Ô nhiễm môi trường biển: Đe dọa ngành công nghiệp không khói

10:09, 23/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có bờ biển dài (gần 130km), đẹp và có tiềm năng lớn về phát triển du lịch biển, đảo. Trong những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Ngãi đã  chú trọng để phát huy lợi thế này nên có được doanh thu tương đối khá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, môi trường biển đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.
 

TIN LIÊN QUAN

Tiềm năng nghịch lý với tầm nhìn

Bãi biển Mỹ Khê ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) từng là nơi lý tưởng với rừng dương xanh mát quanh năm, không khí trong lành, luôn làm hài lòng du khách mỗi khi ghé chân. Thế nhưng, nhiều năm nay vẻ đẹp và sự quyến rũ ấy đã bị con người làm biến dạng hoàn toàn. Giờ đây, trên bãi biển Mỹ Khê tràn ngập rác thải đủ loại. Hàng quán mọc sát bờ biển, không theo một quy chuẩn nào,  kéo theo lượng rác, nước thải ngày càng nhiều...

 

Một góc biển Sa Huỳnh.
Một góc biển Sa Huỳnh.


Ở xã Phổ Vinh (Đức Phổ) có bãi biển Nam Phước, tuy còn hoang sơ nhưng có tiềm năng để hình thành khu du lịch biển của Đức Phổ nhờ có vẻ đẹp tự nhiên do thiên nhiên ban tặng. Nhưng rồi do thiếu tầm nhìn và vì cái lợi trước mắt nên 10 hồ tôm được cho phép mọc lên và nước thải được chủ hồ tôm xả vô tư ra bãi cát ven bờ. Kể từ đó, người dân thôn Nam Phước chẳng còn ai buồn ngó ngàng đến việc khai thác tiềm năng bãi biển này, khách tham quan cũng thưa thớt dần. Chị Trần Thị Thúy Yến ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) cho hay, ngày trước chị và gia đình rất thường xuyên ghé bãi biển Nam Phước để giải trí vào dịp cuối tuần. Nhưng sau khi chứng kiến cảnh các chủ hồ tôm xả trực tiếp nước thải ra biển thì chị chẳng dám quay lại đây nữa.

Thực tế trong những năm qua, việc ưu tiên phát triển con tôm trên cát đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường khiến ngành du lịch chưa kịp tận dụng tiềm năng bãi biển để phát triển du lịch thì đã mất đi cơ hội. Các bờ biển thơ mộng là nơi lý tưởng để phát triển bãi tắm đã phải nhường cho việc chia lô để nuôi tôm. Nhiều vạt rừng dương phòng hộ ven biển cũng bị các hồ tôm chen chân, tạo điều kiện cho cát bay, sạt lở mỗi khi có gió và thuỷ triều lên. Đấy là chưa kể đến những hệ lụy môi trường ẩn họa đằng sau mỗi con tôm thương phẩm.  Ngoài các chất thải rắn như vỏ tôm lột, thức ăn thừa và vô số những hóa chất xử lý ao nuôi như vôi, thuốc tím… tích tụ dưới đáy ao, nhiều chủ hồ tôm còn xả trực tiếp nước thải, bùn đất ra bãi biển ảnh hưởng đến cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp không khói ở tỉnh ta.

Ô nhiễm môi trường không chỉ từ các hồ tôm mà các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, người dân, khách du lịch cũng còn thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ vứt rác tùy tiện, đặc biệt ở đảo Lý Sơn đâu đâu cũng thấy rác. Không chỉ vậy, ngay tại bến cảng Sa Kỳ, cảng cá Lý Sơn hiện nay với nhiều du khách và hàng trăm lượt tàu khách, tàu của ngư dân ra vào mỗi ngày đã thải ra biển hàng tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn và các chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động. Nếu không có giải pháp, chiến lược phù hợp thì tiềm năng du lịch biển đảo của tỉnh có cũng như không.

Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng

Giám đốc Sở TN&MT Lê Mỹ Liên cho rằng: Hiện nay, ở các địa phương, nhất là các xã ven biển, việc quản lý, bảo vệ môi trường vùng ven bờ biển chưa được quan tâm đúng mức. Tỉnh đã bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho các địa phương để mua phương tiện xử lý rác thải. Các huyện Bình Sơn, Mộ Ðức, Sơn Tịnh... đã hình thành tổ, đội thu gom rác, nhưng cũng còn một số địa phương buông lỏng chuyện này. Vì thế, chuyện rác tràn ra bờ biển và dọc các bãi tắm là điều khó tránh khỏi. Một bộ phận người dân ven biển còn  thiếu ý thức bảo vệ môi trường. “Giải quyết bài toán này không còn là chuyện của ngành TN&MT hay ngành du lịch mà là của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp”, ông Lê Mỹ Liên chia sẻ.

Trong chiến lược biển Việt Nam đã xác định, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP cả nước, trong đó du lịch biển và kinh tế biển đảo đóng góp khoảng 14 - 15% GDP; đồng thời là một trong 5 đột phá về kinh tế biển, ven biển. Để đạt được mục tiêu đề ra, đã đến lúc du lịch biển, đảo của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng cần được quan tâm đầu tư, phát triển hợp lý và chuyên nghiệp. Trước hết là cần có những giải pháp đồng bộ trong quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch biển, đảo; phát triển các loại hình du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo.

Trong định hướng Quy hoạch phát triển ngành du lịch Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng  xác định du lịch biển là mũi nhọn của ngành du lịch. Đó là, tập trung khai thác các tiềm năng du lịch ở đảo Lý Sơn và các khu du lịch Sa Huỳnh, Mỹ Khê. Sau năm Du lịch Quốc gia năm 2011 với chủ đề “Du lịch biển, đảo” và mới đây là “Tuần văn hóa biển, đảo” năm 2013 đã cho thấy việc tận dụng và phát huy thế mạnh biển, đảo đã đem lại hiệu quả đáng kể, thu hút hàng vạn khách du lịch đến với Quảng Ngãi và doanh thu du lịch cũng đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố có lợi thế về biển, đảo, Quảng Ngãi vẫn còn yếu. Ngoài nguyên nhân về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, quảng bá thì một trong những nguyên nhân khách du lịch ít chọn Quảng Ngãi là điểm đến do yếu tố môi trường. Chính vì vậy, để phát triển du lịch bền vững Quảng Ngãi cần thiết phải thực hiện đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp, trong đó không thể thiếu giải pháp bảo vệ môi trường biển, đảo.
 

Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Hiện nay, Quảng Ngãi xếp thứ 40/64 tỉnh, thành về phát triển du lịch. Nguyên nhân một phần do xuất phát du lịch thấp, một phần là do tỉnh ta chưa có quy hoạch tổng thể cho ngành du lịch. Trong hai năm 2011-2012, Quảng Ngãi đã đón gần 800.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là trên 50.000 lượt; doanh thu 572 tỷ đồng. Môi trường có những tác động đến hoạt động phát triển du lịch. Các tác động có thể là tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực do mật độ tham quan, hành vi của du khách. Để phát triển du lịch bền vững, có hiệu quả cần dự báo được những tác động của hoạt động du lịch với môi trường từ đó đề ra các giải pháp, chiến lược phù hợp. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường dọc các bãi biển hiện nay đòi hỏi các cấp chính quyền phải quyết liệt hơn nữa. Việc huy động các đoàn thể thu gom rác vào những ngày nghỉ, lễ, Tết chỉ mang tính tạm thời, mà về lâu dài thì việc bảo vệ môi trường phải trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn:
Lý Sơn xác định du lịch biển là chiến lược để phát triển kinh tế. Tuy nhiên do việc đầu tư chưa đồng bộ và đặc biệt là vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường biển từ nhiều năm nay nên du khách vẫn còn e ngại khi đến Lý Sơn. Để giải bài toán này, ngoài việc chỉ đạo các xã tích cực chọn địa điểm thu gom rác tạm thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển thì hiện nay huyện cũng đang gấp rút hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng với diện tích 2 ha để xây dựng khu xử lý rác thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư và sẽ giao cho Tổng cục Môi trường vào cuối tháng này tiến hành khởi công. Khi khu xử lý rác đưa vào sử dụng thì rác ở các trục đường, khu dân cư và đặc biệt là dọc bờ biển sẽ giảm bớt.

Bà Huỳnh Thị Quỳnh Vân - Giám đốc Công ty TNHH Tân Kỷ Nguyên:     Môi trường là một trong những nhân tố thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế . Với kinh nghiệm làm dịch vụ lữ hành nhiều năm, tôi thấy rằng, một môi trường trong sạch gần gũi với thiên nhiên sẽ là lựa chọn của hầu hết du khách. Quảng Ngãi chúng ta, nhất là huyện đảo Lý Sơn rất có tiềm năng nhưng chúng ta lại chưa biết phát huy. Rất nhiều khách than phiền là Quảng Ngãi đẹp nhưng môi trường không đẹp nên không níu chân họ. Trong khi đó khi đặt chân đến Cù Lao Chàm ở Hội An (Quảng Nam) họ không thấy sự hiện diện của rác; rác được người dân, thậm chí cả người lái xe ôm nhặt ngay khi thấy. Tôi nghĩ cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Minh Thương (TP Quảng Ngãi): Biển Hội An, Đà Nẵng vẫn giữ được nét hoang sơ và sạch sẽ. Trong khi nhiều bãi biển ở tỉnh ta dù rất đẹp với nhiều bãi đá có hình thù kỳ thú nhưng rác thải lại tràn ngập, thậm chí  người dân quanh vùng còn xem các hốc đá trên bãi biển là "nhà vệ sinh công cộng" khiến du khách cảm thấy rất phản cảm và chẳng muốn quay lại cho dù biển có đẹp đến đâu.

 

T.Thuận - Ý Thu

 


.