(Báo Quảng Ngãi)- Theo báo cáo của các ngân hàng, tiền huy động từ dân cư vẫn tăng trưởng tốt. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) than thiếu vốn, không vay được. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi về "đích đến" của dòng tiền trong nền kinh tế, khi tín dụng không hoàn toàn "chảy" vào sản xuất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Đoàn On- Giám đốc Ngân hàng Việt Á- Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: “Những tháng đầu năm hoạt động tín dụng luôn chậm, đặc biệt là mảng tín dụng dành cho DN. Tính đến hết tháng 5.2016, Việt Á đã huy động 2.530 tỷ đồng, nhưng chỉ cho vay được khoảng 300 tỷ đồng”.
Hiện nguồn vốn tại các ngân hàng khá dồi dào. |
Tương tự, tính đến tháng 6.2016, tổng nguồn huy động của SeAbank Quảng Ngãi đạt 1.070 tỷ đồng, nhưng cho vay chỉ 470 tỷ đồng. HDbank huy động 375 tỷ đồng, dư nợ gần 80 tỷ đồng... Điều này cho thấy, việc huy động vốn của các ngân hàng khá cao, nhưng cho vay lại khó khăn.
Lý giải về nghịch lý này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, nguyên nhân là do nhu cầu vay của khách hàng không cao. Thậm chí, có nhiều DN từ đầu năm đến nay không mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Cầu” chậm, ngân hàng khó tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, cuộc chạy đua tranh giành thị phần của các ngân hàng thương mại cổ phần đang diễn ra rất quyết liệt, nhất là các ngân hàng mới hoạt động trên địa bàn Quảng Ngãi.
Vì vậy, nhiều ngân hàng đã chủ động đưa ra nhiều gói khuyến mãi, đồng thời tăng lãi suất huy động để tìm kiếm khách hàng, tăng nguồn vốn huy động. Chính việc huy động cao, nên phải cho vay cao, vì thế nhiều ngân hàng rơi vào cảnh huy động tăng, nhưng lại khó cho vay.
Tiền huy động đang về đâu?
Không thể để vốn huy động nằm yên mà không sinh lãi, nên các ngân hàng đều chọn cách mua trái phiếu, tín phiếu để tránh rủi ro, đồng thời điều tiết về Hội sở chính ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, để triển khai cho vay ở các chi nhánh đang cần vốn.
“Hiện tất cả các ngân hàng đều có trung tâm kinh doanh vốn. Bởi bản chất hoạt động của ngân hàng là cho vay để trả lãi suất huy động. Do đó, nếu ngân hàng nào huy động dư thì điều tiết về hội sở. Trong hệ thống ngân hàng gọi hoạt động này là overnight (kinh doanh qua đêm)”, ông Nguyễn Trung Hận- Giám đốc Chi nhánh SeAbank Quảng Ngãi, cho biết.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có những chính sách để giữ vững và mở rộng thị phần trên thị trường Quảng Ngãi. Theo quy luật, từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn của DN thường tăng để chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết, nên SeAbank Quảng Ngãi sẽ tập trung vào các lĩnh vực cho vay hộ kinh doanh ở khu vực nông thôn, miền núi, thủy hải sản, DN nhỏ...
Đối với lĩnh vực cho vay lưu động, ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất xuống mức 7,5%/năm, gần với lãi suất huy động.