(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, Quảng Ngãi lần đầu tiên lọt vào tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là tín hiệu vui, song trong bối cảnh các tỉnh, thành đều “chạy đua” để nâng cao PCI và thực tế việc tăng bậc trên bảng xếp hạng của Quảng Ngãi vẫn chưa thật ổn định thì việc tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PCI cần phải được tập trung hơn nữa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để “trụ hạng”, ngoài chương trình chung của tỉnh, đòi hỏi từng sở ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể hơn.
Tăng nhưng chưa ổn định
Với nhiều giải pháp nâng cao PCI, bằng những chương trình hành động cụ thể năm 2013, Quảng Ngãi đã vươn lên xếp thứ 7/63 tỉnh, thành, tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2012 và vươn lên nhóm thứ hạng rất tốt. Qua phân tích chỉ số thành phần PCI năm 2013 so với năm 2012 có 7 chỉ số mà Quảng Ngãi tăng điểm. Đó là các chỉ số: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Trong 7 chỉ số tăng điểm, đáng chú ý là chỉ số thiết chế pháp lý tăng 51 bậc trên bảng xếp hạng, chỉ số tính minh bạch tăng 37 bậc, chỉ số tính năng động của lãnh đạo tỉnh tăng 19 bậc…
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị cải thiện chỉ số PCI. |
Mặc dù thứ hạng của tỉnh Quảng Ngãi trên bảng xếp hạng PCI năm 2013 đã có bước cải thiện đáng kể, nhưng việc giữ và cải thiện thứ hạng sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đã tập trung và đã có những chuyển biến đáng kể trong cải thiện chỉ số PCI. Hơn nữa, nếu nhìn lại nhiều năm trước, thì PCI Quảng Ngãi luôn đứng ở thứ hạng trung bình, có năm Quảng Ngãi rơi xuống tốp cuối của bảng xếp hạng PCI. Và hiện tại dù nằm trong tốp 10 nhưng tỉnh vẫn còn không ít tồn tại, chỉ số PCI tăng nhưng chưa bền vững.
Trên thực tế, ngoài 7 chỉ số tăng điểm thì Quảng Ngãi cũng có chỉ số giảm điểm, đó là chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức. Qua phân tích, “nổi lên” vấn đề là việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác và công khai các thủ tục hành chính chưa triệt để, đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, việc thực hiện các thủ tục về đất vẫn còn gặp khó khăn; tỉnh chưa có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nguyên nhân của vấn đề này là hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ; một số thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, chưa phù hợp. Một số sở, ngành, UBND các huyện chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số PCI. Cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đầu tư cho bộ phận một cửa liên thông chưa đồng bộ…
Cần giải pháp đồng bộ
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ hiện đang thắt chặt đầu tư công, đồng thời đây còn là thước đo quan trọng, khách quan nhất đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Nâng cao chỉ số PCI tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển. |
Thực tế, vì nhiều lẽ, không ít doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn nói lên những cái khó của mình. Một số doanh nghiệp mong muốn cần có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cơ chế chính sách của địa phương phải thể hiện rõ điều này. Do vậy tỉnh cần có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trách nhiệm của cán bộ công chức trong bộ máy hành chính trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cần phải được nâng cao. Bộ máy chính quyền phải thật sự “thân thiện, chuyên nghiệp”; chuyển nhận thức và hành động từ “quản lý doanh nghiệp” sang “hỗ trợ doanh nghiệp”. Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng tốt hơn, chấm dứt tình trạng chủ trương tốt nhưng không thực hiện hoặc thực hiện có vấn đề.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng; rà soát những thủ tục hành chính còn rườm rà, không phù hợp, chồng chéo để chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế kịp thời; cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính và khắc phục các vấn đề bất cập cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa hiện đại”; thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục hải quan, tư vấn pháp lý, đào tạo lao động cung ứng cho các dự án đầu tư theo phương châm đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng.
*Bà Bùi Thị Lệ Thủy-Giám đốc Sở Tư pháp: Tính ổn định của hệ thống pháp luật hiện nay của nước ta là chưa cao. Một số văn bản pháp luật vẫn còn tình trạng thiếu cụ thể, chưa rõ ràng, có sự mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng đến công tác xây dựng thế chế, kêu gọi đầu tư…Do vậy, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản. Trong đó chú trọng xây dựng những nội dung, giải pháp mang tính đột phá, nhất là các văn bản có liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành, qua đó phát hiện những nội dung, chính sách không phù hợp để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN. *Ông Trần Bá Nam-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh: Việc tăng thứ hạng PCI đã khó nhưng giữ được thứ hạng PCI càng khó hơn. Hiện nay cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, UBND các huyện, thành phố chưa nhịp nhàn, chặt chẽ. Thêm vào đó một số quy hoạch ngành chưa được phê duyệt nên quá trình thẩm tra không có cơ sở để xem xét, thời gian thẩm tra mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến công tác kêu gọi thu hút các nhà đầu tư. Đây là những vấn đề cần tháo gỡ. *Ông Nguyễn Duy Nhân-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ, tương tác với các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người lao động. Do vậy cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng hoạt động định hướng nghề nghiệp huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề và nhất là mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo nghề. *Ông Phạm Vinh-Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh: Để đáp ứng nhu cầu và thu hút các nhà đầu tư, tỉnh cần sớm hoàn thiện các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó cần tổ chức công bố công khai, đầy đủ toàn bộ thông tin về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2015, cũng như quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp nghiên cứu, lập dự án đầu tư sản xuất kinh doanh có kế hoạch tiếp cận sử dụng đất. *Ông Võ Thành Đàng-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Quảng Ngãi: Đào tạo nông dân trở thành công nhân nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, cung ứng sản phẩm cho công nghiệp chế biến phục vụ hỗ trợ lao động rất khó khăn. Hỗ trợ thông tin, đặc biệt là hỗ trợ pháp lý là điều mà doanh nghiệp rất cần, giúp chúng tôi đi đúng hành lang, bởi hiện nay luật chồng chéo và luôn thay đổi làm khó doanh nghiệp. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều