(Báo Quảng Ngãi)- Để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ), việc thu phí công đoàn và trích nộp kinh phí công đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) chưa chấp hành nghiêm quy định này, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn.
[links()]
Quy định đã có...
Khoản 2, Điều 26, Luật Công đoàn năm 2012 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ”. Theo đó, đối tượng thu kinh phí công đoàn mở rộng cả ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn. Đây là điểm tiến bộ nhằm tạo sự công bằng giữa các DN, khắc phục tình trạng DN cố tình không thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), nhằm né tránh việc đóng phí công đoàn. Tuy nhiên, công tác thu phí công đoàn thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa chấp hành nghiêm việc đóng phí công đoàn; đoàn viên không tự giác trích nộp đoàn phí công đoàn, đoàn viên đóng thấp hơn quy định. Bên cạnh đó, từ năm 2019 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, NLĐ bị mất việc, phải giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập nên cũng ảnh hưởng đến việc thu các khoản này.
Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tập huấn về sử dụng tài chính công đoàn cho công đoàn cơ sở. Ảnh: S.T |
Việc thu, nộp phí công đoàn của các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn chủ yếu là các DN tư nhân quy mô nhỏ, chỉ tham gia đóng BHXH cho từ 1 - 3 người. Bên cạnh đó, nhiều DN khu vực ngoài nhà nước chưa thành lập CĐCS nên việc thu phí cũng khó thực hiện. Vì vậy, hằng năm tỷ lệ thu phí công đoàn của các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn chỉ đạt khoảng 0,3% so với tổng số tiền phải thu.
...nhưng chưa thực thi
Theo đánh giá của LĐLĐ TP.Quảng Ngãi, công tác thu phí, đoàn phí công đoàn đối với các DN nhà nước chuyển sang cổ phần thì tương đối ổn định. Tuy nhiên, công tác thu phí, đoàn phí công đoàn đối với các DN khác đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, LĐLĐ thành phố trực tiếp quản lý 48 CĐCS ở DN, nhưng có 20 đơn vị không thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Nguyên nhân là do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nên các trường hợp này luôn cố tình trốn đóng.
Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hiện đang quản lý 70 CĐCS, nhưng việc thu phí và đoàn phí công đoàn chỉ mới đạt 35% dự toán giao. Điều đáng nói là, có DN vẫn thu đoàn phí của NLĐ, nhưng không nộp lên công đoàn cấp trên. Ngoài ra, hiện có 20 DN chưa đóng, hoặc đóng không đủ đoàn phí công đoàn như: Công ty CP Cơ - Điện Lilama; Công ty CP Hưng Phú; Công ty CP Pha Đin... Trong số này, có DN nợ hơn 9 tỷ đồng.
Một lãnh đạo LĐLĐ tỉnh cho rằng, theo Điều 24c Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong việc đóng phí công đoàn, thì tại Điểm 1 quy định phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. Phạt tiền từ 18 - 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ NLĐ thuộc đối tượng phải đóng. Tuy nhiên, mức xử phạt như trên là quá nhẹ, nên một số DN còn chây ì trong việc trích nộp kinh phí công đoàn và đoàn phí...
SÔNG THƯƠNG