Đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

03:11, 09/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, huyện Nghĩa Hành vừa nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), vừa huy động các nguồn lực chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo... Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hiệu quả liên quan đến lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, BHTN. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn xoay quanh những vấn đề này.
 
[links()]
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: PV
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: PV
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong việc thực hiện “mục tiêu kép” - vừa khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vừa chăm lo an sinh xã hội cho người dân?
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trước những tác động của đại dịch Covid-19, huyện đã nỗ lực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, huyện đã tiếp nhận, kiểm tra và đề nghị Sở LĐ-TB&XH phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các trường hợp F0, F1 phải điều trị, cách ly y tế... với tổng số tiền hơn 644 triệu đồng.
 
Trong 2 năm 2020 - 2021, huyện đã chi hỗ trợ trên 19,5 nghìn lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 20,67 tỷ đồng; trong đó, có 2.460 lượt người nghèo, 8.758 lượt người cận nghèo, 5.697 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, 1.648 lượt người có công, 27 hộ kinh doanh, 915 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế... Huyện tiếp nhận và cấp phát trên 129 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 4.185 hộ (8.623 nhân khẩu) là hộ nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi mưa, lụt năm 2021 và nhân dịp tết Nguyên đán năm 2022. Chi trả kịp thời chế độ trợ cấp cho 7.255 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền trên 28,8 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2022). Ngoài ra, huyện tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới và tăng thêm việc làm cho 3.179 lao động. Tạo điều kiện cho 335 lao động tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với số tiền trên 17,8 tỷ đồng.
 
Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã làm tốt việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong năm 2022, huyện đã thẩm định 90 hồ sơ gửi Sở LĐ-TB&XH giải quyết chế độ kịp thời cho các trường hợp bị tù đày, Mẹ Việt Nam Anh hùng, cấp lại bằng Tổ quốc Ghi công... Tổ chức chi trả kịp thời các chế độ trợ cấp một lần, chế độ điều dưỡng năm 2022 và trợ cấp dụng cụ chỉnh hình cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Thăm, tặng quà cho 306 người có công tiêu biểu, thân nhân liệt sĩ, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp lễ, Tết, với tổng số tiền 183 triệu đồng. Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), huyện phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tặng quà cho 13 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí 78 triệu đồng.
 
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm thực hiện, đặc biệt có trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được trợ giúp, chăm sóc để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên thăm hỏi, tặng 50 chiếc xe đạp, 120 suất học bổng, 120 suất quà, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.
 
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm trao Bằng chứng nhận truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho thân nhân Mẹ Nguyễn Thị Hay, ở xã Hành Thịnh.  Ảnh: PV
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm trao Bằng chứng nhận truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho thân nhân Mẹ Nguyễn Thị Hay, ở xã Hành Thịnh. Ảnh: PV
PV: Huyện đã thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2022 như thế nào?
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: UBND huyện ban hành Kế hoạch số 3177 ngày 16/9/2022 phát động phong trào thi đua “Nghĩa Hành vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2021- 2025 gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” trong Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2022. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2022, huyện đã khởi công xây dựng mới 8 nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ vì người nghèo của huyện, vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022, huyện triển khai hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn gắn với xây dựng, chuyển giao các mô hình sản xuất, với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng.
 
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, toàn huyện có 120 hộ thoát nghèo và 146 hộ thoát cận nghèo. Đến nay, toàn huyện còn 1.026 hộ nghèo (chiếm 3,97%) và  2.010 hộ cận nghèo (chiếm 7,77%).
 
 
PV: Những giải pháp để huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, tạo động lực phát triển KT - XH trong thời gian tới là gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tham gia ủng hộ, trợ giúp các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện, gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, tổng nguồn lực từ chương trình giảm nghèo bền vững dự kiến 13 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và chuyển giao các mô hình phát triển sản xuất, sinh kế cho người nghèo. Qua đó thực hiện mục tiêu giúp người nghèo chủ động phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giảm nghèo bền vững.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nguyên, ở xã Hành Đức.                     Ảnh: PV
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nguyên, ở xã Hành Đức. Ảnh: PV
Các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phản ánh đúng thực trạng của địa phương. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo đa chiều, trọng tâm là hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin... và đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều sâu rộng đến các tầng lớp dân cư và người nghèo, thay đổi và làm chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo, nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo. Thực hiện tốt các chính sách, cũng như tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
MỸ HOA
 (thực hiện)
 

.