Công trình nước sạch nông thôn: Hoạt động không hiệu quả vì thiếu kinh phí

05:06, 15/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, nhưng nhiều công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Một phần nguyên nhân là do thiếu kinh phí!
 
[links()]
 
Theo kết quả phê duyệt Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ngãi năm 2021 đối với 513 công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh (hơn 90% công trình quy mô nhỏ  dưới 250 hộ), thì chỉ có 36 công trình bền vững và tương đối bền vững; 344 công trình kém bền vững và 133 công trình không hoạt động.
 
Thiếu kinh phí nên không thể thường xuyên duy tu, bảo dưỡng là một trong những nguyên nhân khiến công trình nước sạch xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) bị hư hỏng, xuống cấp.
Thiếu kinh phí nên không thể thường xuyên duy tu, bảo dưỡng là một trong những nguyên nhân khiến công trình nước sạch xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) bị hư hỏng, xuống cấp.
Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT) Lê Văn Minh, sở dĩ nhiều công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh hoạt động không ổn định, kém bền vững là vì không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng địa phương và người hưởng lợi không thực hiện khoản đóng góp đúng như cam kết, dẫn đến nợ nhà thầu kéo dài.
 
Đơn cử như tại xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ). Năm 2019, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phổ Phong, với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng, trong đó địa phương và người hưởng lợi đóng góp gần 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng và đảm bảo cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể trả khoản đóng góp 1,7 tỷ đồng. Không chỉ xã Phổ Phong, mà hiện nay một số xã trên địa bàn tỉnh nợ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh hơn 4,1 tỷ đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý và duy tu, bảo dưỡng công trình, mà còn tác động tiêu cực đến việc xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn.
 
Theo Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đến năm 2020 phải đạt 35%, đến năm 2025 đạt 50%. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện chỉ có 19 công trình cấp nước sạch nông thôn (3,7%), do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý được Sở NN&PTNT phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn, giai đoạn 2022 - 2025, công suất phục vụ 24,15 nghìn hộ dân tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.
 
Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, đảm bảo 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 75% người dân được sử dụng nước sạch, Sở NN&PTNT đã kiến nghị trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các mô hình mẫu về cấp nước an toàn đối với các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương có giải pháp trả khoản đóng góp cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để đảm bảo duy trì và thực hiện hoạt động quản lý, duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.