(Baoquangngai.vn)- Mỗi lần nhận được tin có người vừa bắt được mẻ cua huỳnh đế có trứng, chàng trai tìm mọi cách mua rồi lặng lẽ thả cua về biển. Anh chẳng ngại bỏ tiền của, công sức và cả ánh mắt ái ngại của ngư dân để đổi lấy sự sinh tồn cho loài cua này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phóng sinh cua huỳnh đế
Trên chiếc thuyền chênh vênh, anh Phạm Văn Công, 33 tuổi, ở đảo Lý Sơn hào hứng thả một mẻ cua huỳnh đế đang mang trứng vừa mới mua để chúng về với biển cả. Nơi anh thả cua cách bờ ước chừng vài hải lý.
Vừa thả xuống biển, từng con cua, với cái bụng chứa đầy trứng nặng nề, vui mừng quẩy dưới làn nước trong xanh, về với nơi vốn thuộc về mình. Thế nhưng, chúng không quên bơi xoay vài vòng, nhô lên khỏi mặt nước trong chốc lát hướng về ánh đèn pin soi rọi trong đêm, rồi mới lặn ngụp sâu xuống lòng biển cả như một cách chào tạm biệt người ân nhân cứu mạng. Đây là tấm lòng của anh Công, một người trẻ ở đảo trong suốt gần hai tháng nay đối với loài cua đặc sản nổi tiếng trên đảo.
Anh Phạm Văn Công- Người có tấm lòng tốt trả cua huỳnh đế đang mang trứng về biển. |
"Trả chúng về biển cả, chúng vui sướng nên bơi nhanh, loạn xạ. Động vật cũng có những cảm xúc của riêng mình. Nếu mình biết yêu thương chúng, chúng cũng sẽ đáp lại tấm lòng chân thành. Mỗi lần nhìn cua huỳnh đế vui mừng trở về biển cả bao la là cảm xúc đặc biệt lắm!", anh Công bộc bạch trong niềm vui sướng.
Dạo gần đây, qua theo dõi, nghe ở đâu trên đảo mới vừa vào mẻ cua, anh Công trên chiếc xe máy "cà tàng" lại len lỏi mọi ngóc ngách, dọc các bờ biển để thăm dò, đến tận nơi để thu mua. Hễ gặp được cua trứng, anh mừng gấp bội vì bản thân sắp tích thêm một việc tốt.
"Không phải lúc nào mình cũng có thời gian để đi cả ngày tìm cua. Mình chỉ canh được khoảng thời gian ngư dân đi đánh bắt gần bờ từ 3h00- 4h00 sáng và thường trở về giữa xế chiều. Thời điểm này, khắp các bờ biển dọc quanh đảo tấp nập tàu thuyền cập bến và chị em chuyên bán hải sản thu mua", anh Công nói.
Từng con cua được anh nâng niu, ấp vào lòng bàn tay mà vuốt ve. Bởi sau hành trình vây bắt của ngư dân, chúng mất sức rất nhiều. Mang về nhà, anh cẩn thận đặt vào trong những tủ kính có chứa cát và nước biển, sục ôxy tái tạo môi trường sống cho cua qua hàng giờ đồng hồ. Cho đến khi trời chập choạng tối, anh cùng người thân mới lọ mọ mang chúng ra biển để phóng sinh.
Anh Công và những người thân của mình tận tay thả cua về biển vào ban đêm. |
Mọi việc làm của anh đều hết sức cẩn thận, phòng những kẻ xấu xác định được vùng thả cua mà tìm cách đánh bắt trở lại. Bởi vì thế mà ít khi nào anh thả chúng vào ban ngày. Chỉ hai tháng nay, anh đã thả được hàng chục con cua huỳnh đế có trứng.
Anh Công nhẩm tính, số trứng trong một lần sinh sản của một con cua là vài chục ngàn trứng, trung bình khoảng 40.000 trứng/con. Do vậy, công việc thả cua huỳnh đế đang mang trứng về với biển là điều anh Công mong muốn để giúp những con cua mẹ tiếp tục sinh sản, phục hồi nguồn cua tự nhiên. Biển cả sẽ có một nguồn cua con mới rất lớn tái đàn, sinh sôi và phát triển.
Đánh thức ngư dân, du khách
Tấm lòng nhân đạo của Công với cua huỳnh đế chỉ mới triển khai được hai tháng nay. Số lượng cua chưa nhiều. Tuy nhiên, lòng tốt của anh đã bắt đầu "râm ran" khắp đảo.
Ban đầu hành động này nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của ngư dân, họ chủ động gọi khi có nguồn cua. Nhiều người có khi còn ủng hộ với giá rẻ để cùng nhau làm việc tốt. Tuy nhiên, càng về sau không mấy người đồng hành vì sự ái ngại.
Họ nghĩ rằng, trong khi anh Công đi mua cua về để thả về biển, còn họ lại tận diệt mang về bán kiếm lời. Dần dà, nhiều người né tránh trước lời đề nghị mua cua trứng của anh, buộc anh phải tự đi tìm, nài nỉ.
"Thôi kệ!"- anh nói. Rồi anh chia sẻ tiếp: “Ít nhiều cũng giúp ngư dân nhận ra, mình bắt cua cái đang mang trứng là không nên. Bởi chẳng ai muốn tàn nhẫn với loài sinh vật đang mang trứng. Chính từ sự ái ngại ấy, dần dần ngư dân hiểu, sẽ cùng chung tay, đồng hành”.
Cua huỳnh đế là loại hải sản có giá trị kinh tế ở Lý Sơn. Việc người dân, du khách hạn chế tiêu thụ cua huỳnh đế đang mang trứng ở thời điểm này là cấp thiết. |
Một điều đáng phải suy nghĩ, khi mà số lượng, mật độ cua huỳnh đế ở vùng biển Lý Sơn đã trở nên suy giảm rất nhiều so với trước đây. Cách đây hơn 10 năm, mỗi ngày ngư dân ra khơi khai thác được 30- 40kg nhưng nay lượng cua huỳnh đế đã suy giảm đáng kể, chỉ còn 7- 8kg.
Mặc khác, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng đông. Vào dịp lễ, Tết có khi lên đến 5.000 khách/ngày. Đa phần du khách khi đến đảo có nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống rất cao, đặc biệt là các món ăn từ cua huỳnh đế. Giá cả vì thế cũng tăng vọt theo. Giá mỗi ký cua huỳnh đế hiện nay là 800- 900 nghìn đồng/kg, có khi lên cả triệu đồng. Thấy được giá trị của cua nên nhiều người đã đua nhau khai thác. Loài cua này ngày càng khan hiếm.
"Nếu cứ đà như hiện nay thì chỉ chừng khoảng 5- 10 năm nữa thì cua huỳnh đế sẽ khan hiếm hơn. Mặc khác, loài này rất ưa thích sống vùi trong cát nhưng bây giờ tình trạng người dân hút cát làm nông nghiệp ngày càng báo động nên môi trường sống của cua không còn như trước, ngư dân buộc phải đi xa 5- 7 hải lý mới khai thác được, gần bờ không còn nữa", anh Công bộc bạch.
Theo Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng, hành động của anh Công rất đáng được tuyên dương. Qua đó đã góp phần bảo vệ được số lượng cua huỳnh đế mang trứng, góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn cua huỳnh đế nói riêng và các loài hải sản nguy cấp ở vùng biển Lý Sơn.
Việc làm ấy còn lan tỏa thông điệp nhắc nhở đến mỗi du khách khi đến Lý Sơn: "Hãy ngừng tiêu thụ cua huỳnh đế có trứng. Chỉ tiêu thụ những con cua có kích thước, trọng lượng phù hợp, đang ở tuổi trưởng thành. Đó chính là cách cùng chung tay cùng với BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn và chính quyền địa phương thực hiện công cuộc bảo vệ nguồn lợi hải sản quý hiếm ở vùng biển Lý Sơn".
Song song với việc tự “săn” cua huỳnh đế đang mang trứng để thả về biển, về lâu dài, anh Công đang hướng đến việc xây dựng một nguồn quỹ riêng để cả cộng đồng cùng chung tay.
Thiên Hậu