(Báo Quảng Ngãi)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học phải đóng cửa dài ngày. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều cô giáo và nhân viên cấp dưỡng đã chuyển hướng kinh doanh online, giới thiệu các mặt hàng như hải sản, thịt gia súc, gia cầm trên mạng xã hội, hay bán nước giải khát với dịch vụ giao hàng tận nơi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Một công đôi việc”
Vừa treo túi ốc nhảy lên xe máy chuẩn bị giao cho khách, chị Nguyễn Thị Mỵ Nương, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) nhận tin nhắn đặt hàng món ốc nhảy của một người quen tận Nghệ An. Những tháng qua, chị Nương đã quen với việc cập nhật các đơn hàng, chở hàng đi gửi và giao hàng không tính phí vận chuyển cho những khách ở gần. Các mặt hàng chị Nương bán trên mạng xã hội như ốc nhảy, cá biển tươi được đánh bắt từ vùng biển bãi ngang nơi chị sinh sống.
Trong thời gian nghỉ việc cấp dưỡng tại một trường tiểu học vì dịch Covid-19, chị Phạm Thị Thu Thơm, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) bán nước giải khát để có thu nhập. |
Ngoài ra, còn có các đặc sản Lý Sơn nổi tiếng như chả cá và tỏi khô. Chị Nương cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển Đức Minh, là vùng biển bãi ngang, nên cá ở đây rất tươi ngon. Là giáo viên của một trường tiểu học, trong thời gian việc học tạm dừng, tôi tìm nguồn hàng rồi chụp ảnh đăng trên mạng xã hội, may mắn là được rất nhiều người ủng hộ. Còn chả cá và tỏi Lý Sơn thì nhập hàng từ gia đình một người bạn ở huyện Lý Sơn, nên yên tâm về nguồn gốc, chất lượng”.
Vừa có nguồn thực phẩm đảm bảo cho bữa ăn hằng ngày, vừa giúp giới thiệu các loại hải sản tươi ngon đến tay bạn bè, người quen, “một công đôi việc” như thế, nên những ngày qua, chị Bùi Thị Thiên Thu, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) tất bật với các công đoạn sơ chế cá, làm chả cá thu, đi giao hàng và gửi hàng vào TP.Hồ Chí Minh. Từ nguồn hải sản của học trò cũ ở vùng ven biển, chị Thu đăng bán trên mạng xã hội, rồi sau đó gắn bó với công việc này.
Chị Thu cho hay, sau khi ghe đánh bắt vừa vào bờ, cá, tôm vận chuyển ngay cho chị, nên còn rất tươi. Nhận giao hàng tận nơi ở khu vực gần nhà, còn những đơn hàng ở xa như TP.Hồ Chí Minh thì cấp đông, đóng thùng rồi gửi cho khách hàng. “Nhờ có nghề tay trái này, giúp tôi có việc làm, thu nhập; đồng thời tạo việc làm cho những lao động nạo cá, sơ chế cá, nhất là giúp được học trò cũ ở vùng biển bán được hải sản”, chị Thu chia sẻ.
Nghề tay trái
Kèm theo thông tin, hình ảnh của các loại thực phẩm như thịt heo, thịt vịt, bí đao, xoài, mít, chị Nguyễn Thị Hải My, ở xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) còn cập nhật giá cả lên xuống hằng ngày trên trang mạng xã hội cá nhân của mình. Là cô giáo tại một trường mầm non, chị My bày tỏ: Trong thời gian nghỉ dạy, tôi kinh doanh trên mạng xã hội.
Nhờ có nguồn thực phẩm thịt heo, thịt vịt tươi ngon từ những người bà con ở huyện Mộ Đức, nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Còn các loại xoài, mít cũng chủ yếu từ trong quê, mỗi nhà trồng một ít, còn dư thì gửi bán. Ban đầu chủ yếu người thân, bạn bè ủng hộ, sau đó có nhiều người biết đến cũng đặt mua.
“Ship từ 5 ly nước mía, hoặc 2 trái dừa, hoặc 3 ly nước cam trở lên”. Đó là câu giới thiệu của chị Phạm Thị Thu Thơm, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). Tận dụng mặt bằng trước nhà mẹ ruột, chị Thơm mở tiệm nước mía với dịch vụ giao nước uống tận nơi cho khách.
Chị Thơm cho biết: Tôi làm công việc cấp dưỡng tại một trường tiểu học, trong thời gian chờ học sinh đến trường trở lại, tôi mở tiệm bán nước giải khát, gồm các loại nước mía, dừa, nước cam. May mắn là tôi không phải tốn tiền thuê mặt bằng, máy ép nước mía có sẵn, nên chỉ đầu tư mua thêm một số vật dụng. Ngoài những người xung quanh, cũng có nhiều công ty, cơ sở đặt mua với số lượng lớn, giúp tôi có nguồn thu nhập lo cho cuộc sống mỗi ngày.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO