Đức Phổ sáng xuân nay

02:02, 09/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xuân này là mùa xuân đầu tiên Đức Phổ nhấc bước lên thị xã. Vậy là, mong ước của nhiều thế hệ cán bộ, người dân vùng cực nam của tỉnh đã thành hiện thực. Vậy là từ nay, “từ Đức Phổ nơi dấu chân bao người đi trước/ Hương Trầm bay, thơm ngát trời xanh” (lời thơ Phạm Tiến Duật).
 
Hôm Đức Phổ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án thành lập thị xã Đức Phổ, từ Hà Nội, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Phước Hiền loan tin vui với tôi. Mà không vui sao được, khi chuyện Đức Phổ lên thị xã đã được ấp ủ từ lâu và chính thức đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ huyện ngót đã chục năm, khi xác định đây là một trong ba nhiệm vụ đột phá của Đức Phổ ở nhiệm kỳ lần thứ XIX (2010 - 2015). 
 Trung tâm thị xã Đức Phổ hôm nay.          ẢNH: TL
Trung tâm thị xã Đức Phổ hôm nay. ẢNH: TL
Từng gắn bó với vùng đất này nhiều năm, từ khi làm phóng viên được phân công “đứng cánh” ở Đức Phổ, tôi hiểu rõ hành trình gian truân lên thị xã của huyện cực nam của tỉnh. Còn nhớ, khi bàn về việc “xây dựng Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2015” là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã có không ít lời bàn ra. Mà có ý kiến trái chiều cũng phải. Bởi lẽ, khi ấy cơ sở hạ tầng của huyện còn khá hạn chế, thị trấn Đức Phổ chỉ mới là đô thị loại V, còn cơ cấu lao động phần lớn là lao động nông thôn... Nhưng với tầm nhìn dài hạn, cùng với việc đánh giá hết tiềm năng, lợi thế vốn có của mình, Đức Phổ vẫn quyết lên... thị xã.
 
Nghị quyết đã có, nhưng việc triển khai cũng không hề dễ dàng gì, nhất là vốn đầu tư kết cấu hạ tầng để mở đường cho phát triển không mấy dồi dào, vì “rơi” đúng vào thời điểm mà Nhà nước siết chặt đầu tư công. Trong khi đó, một số dự án có số vốn khủng vào thời điểm những năm 2010 như dự án khu du lịch phim trường Vina Universal của một tập đoàn lớn được kỳ vọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đức Phổ lại vỡ như bong bóng xà phòng, rồi Khu công nghiệp Phổ Phong xây dựng không được thành công như mong đợi... Nhưng người Đức Phổ vẫn không hề nản lòng.
 
Trò chuyện với chúng tôi trước ngày Đức Phổ chính thức lên thị xã (ngày 1.2.2020), Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Phước Hiền bộc bạch: Đức Phổ lên thị xã là một quá trình phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo; là kết quả của sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, nhân dân địa phương trong suốt nhiều năm liền. Và đó là kết quả hết sức có ý nghĩa đối với Đảng bộ, nhân dân Đức Phổ.
 
Về Đức Phổ giữa mùa Xuân Canh Tý, không khó để nhận ra sức xuân đang căng tràn khắp phố, phường ở nơi đây. Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, qua hai nhiệm kỳ, huyện Đức Phổ đã huy động các nguồn lực xã hội dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Nhiều công trình lớn, quan trọng, mang tính chất động lực đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, làm mới như Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, tuyến Quốc lộ 1 - Phổ Vinh, Quốc lộ 1 - Mỹ Á... giúp mở rộng không gian đô thị về phía nam, phía đông. Rồi tuyến đường trung tâm huyện, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, Quảng trường 8/10, Trung tâm Văn hóa huyện, chợ Đức Phổ, các đô thị, khu dân cư mới được hình thành, làm cho không gian đô thị Đức Phổ... lớn dần ra. 
 
Trong khó khăn về vốn, điểm nhấn quan trọng là Đức Phổ đã huy động nguồn lực xã hội lên đến 1.200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, làm cho diện mạo của Đức Phổ tươi tắn hẳn. Giờ đây, 8 xã, thị trấn đã lên phường. Các đô thị vệ tinh như Trà Câu, Sa Huỳnh... giờ là trung tâm của những phường Phổ Văn, Phổ Thạnh... Và dường như cả thị xã rộng hơn 372 cây số vuông này cũng đang chuyển mình.
 
Cùng với bước chuyển về hạ tầng, cơ cấu kinh tế của Đức Phổ cũng đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người ở mức khá của tỉnh, đạt 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 4,6%...
 
Song thị xã không phải là đích đến, mà “mục tiêu cuối cùng là làm sao cho đời sống của hơn 150 nghìn người dân Đức Phổ không ngừng được nâng lên, được tiếp cận, hưởng các dịch vụ văn hoá, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và được chính quyền phục vụ tốt hơn”, vị lãnh đạo trẻ của thị xã trẻ bộc bạch. 
Hạ tầng đô thị Đức Phổ được đầu tư, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.             ẢNH: BÁ SƠN
Hạ tầng đô thị Đức Phổ được đầu tư, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. ẢNH: BÁ SƠN
 
Thách thức sẽ không hề nhỏ, khi đội ngũ cán bộ phải dần chuyển từ bộ máy chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị. Họ phải nhanh chóng thích ứng với cơ chế quản lý mới của thị xã trực thuộc tỉnh, để giải quyết tốt những búc xúc trong quá trình phát triển trong thời gian tới. Thế nhưng, cơ hội cũng sẽ mở ra rất nhiều. Lên thị xã, Đức Phổ có cơ hội để thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng; có cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển những dự án công nghiệp lớn ở Phổ Phong, những tổ hợp du lịch - dịch vụ hiện đại ở Phổ Châu, Sa Huỳnh, những dự án đô thị ở Phổ Hòa, Phổ Ninh, Phổ Vinh... Qua đó, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
 
Trong bộ sưu tập sáng tác của mình, nhà thơ Phạm Tiến Duật nổi tiếng với các bài thơ về đề tài chiến tranh đã có một bài viết về quê hương Đức Phổ. Đó là bài thơ ông viết về mảnh đất nơi người Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã ngã xuống và cũng là một trong những bài thơ cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ tài hoa này: “...Đây những dòng ghi từ nơi em nằm lại/ Nói với bao người thắp sáng niềm tin/ Để ngàn năm lớp lớp tuổi hai mươi/ Mang trái tim Đặng Thùy Trâm và tình yêu đất nước/ Từ Đức Phổ nơi dấu chân bao người đi trước/ Hương trầm bay, thơm ngát trời xanh” (Hương trầm Đức Phổ, Phạm Tiến Duật).
 
Nhưng Đức Phổ không chỉ nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh, mà trên mảnh đất này còn có bề dày trầm tích về văn hóa, lịch sử. Bên những con sóng lô nhô xô dạt bờ nơi cực nam Quảng Ngãi là dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh tích tụ nghìn năm, giá trị di sản quý báu mà ít nơi có được. Đây còn là nơi ghi dấu một thời oanh liệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng, với tiếng trống giục giã ở làng Tân Hội vào năm 1930 quy tụ hàng nghìn người dân tiến chiếm huyện đường, phá nhà lao, treo cờ Đảng; là nơi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đại hội lần thứ I (làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong - PV); là nơi xuất hiện những người lãnh đạo cách mạng ưu tú, trung kiên như Nguyễn Nghiêm - người được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, Phạm Xuân Hòa-từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Bí thư Ban cán sự Trung - Nam Xứ ủy Trung Kỳ...
 
Hội tụ trong mình sức mạnh qua nhiều giai đoạn lịch sử. Thế nên, Đức Phổ lên thị xã cũng chỉ là bước khởi đầu cho hành trình mới...
 
HOÀNG TRIỀU
Tháng 2 năm 2020
 
 
 
 
 

.