Mái ấm nơi cửa thiền

01:01, 25/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nép mình sau phố thị nhộn nhịp, chùa Kim Phú ở thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) nằm giữa vùng quê thanh bình. Không chỉ là nơi tu hành, mà ở đó sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh đã mở rộng tấm lòng để cưu mang, chăm sóc những mảnh đời không may mắn.
 
Hiện chùa Kim Phú nhận nuôi, chăm sóc 8 trẻ em và các cụ già không nơi nương tựa. Hơn 6 năm qua, họ đã sống và yêu thương nhau như người thân trong  gia đình. 
 
Điểm tựa yêu thương  
 
Ngồi ở không gian dành để uống trà trong khuôn viên của chùa, tôi lắng nghe tiếng mõ đều đặn rơi vào hư không, cảm nhận một ngày trời cuối đông tĩch mịch, nhưng không buồn. Mỗi người một số phận bất hạnh, khi đến ở chùa họ đã sống trong tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Sư cô Tuệ Hạnh luôn răn dạy các con tu tâm, tĩnh trí, thương yêu chăm sóc nhau như anh em ruột thịt. 
Sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh luôn dành tình thương cho những trẻ em được nhận nuôi dưỡng.
Sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh luôn dành tình thương cho những trẻ em được nhận nuôi dưỡng.
Em T.N năm nay 17 tuổi. Lúc còn nhỏ, mẹ gửi T.N cho dì ruột nuôi để đi làm ăn xa. Vài năm sau, dì của T.N lập gia đình và sinh con. Cảm thấy tình cảm bị san sẻ, mẹ ruột ruồng bỏ, suy nghĩ của T.N bắt đầu lệch lạc và hụt hẫng, buông xuôi. Từ ngày về chùa, được sư cô Tuệ Hạnh quan tâm dạy dỗ, khuôn mặt T.N lúc nào cũng tươi cười, nhưng nỗi lòng của em chỉ có sư cô là người hiểu rõ nhất. Đó là trường hợp đặc biệt mà sư cô lưu tâm nhất, để xoa dịu những tổn thương mà em đã nếm chịu.
 
Không bị mẹ bỏ rơi như T.N, em M.K (15 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn. Cha bị ung thư rồi qua đời, mẹ ốm đau không đủ sức để lo cho con cái. Thiếu sự quan tâm của người lớn, M.K bị bạn bè rủ rê, sao lãng việc học. Biết hoàn cảnh M.K, sư cô Tuệ Hạnh ngỏ ý với gia đình đưa em về chùa để chăm sóc, nhắc nhở học tập.
 
Ngồi trong sân chùa, em P.T (11 tuổi) đem sách vở qua cho sư cô Tuệ Hạnh kiểm tra. Em cho biết nhà của mình ở gần chùa, thấy sư cô và các anh chị luôn gần gũi, yêu thương, nên P.T xin phép gia đình cho em vào ở trong chùa. Em P.T chia sẻ: "Sư cô luôn khuyến khích chúng em biết nhẫn nhịn, biết vươn lên, sau này có duyên thì làm người tu hành; còn không có duyên thì về đời làm một người có ích cho xã hội".
"Sư cô luôn khuyến khích chúng em biết nhẫn nhịn, biết vươn lên, sau này có duyên thì làm người tu hành; còn không có duyên thì về đời làm một người có ích cho xã hội".
 
Em P.T
Từ tấm lòng sẻ chia 
 
Sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh sinh ra tại vùng đất nghèo Quảng Nam. Sau nhiều năm tu học tại miền Nam, sư cô được mời về làm trụ trì chùa Kim Phú. “Lúc trước, thôn xóm chỉ có cụ già và trẻ em. Vùng này thường xuyên khô hạn, mất mùa, thanh niên trong làng đi làm ăn xa gửi tiền về cho ông bà nuôi cháu. Những hình ảnh ấy gợi nhớ tuổi thơ của mình bên làng quê nghèo khó, đã thôi thúc sư cô ở lại và gắn bó. Thoắt cái hơn 6 năm, nhiều người đã chọn chùa Kim Phú làm nơi nương tựa sau cơn sóng gió cuộc đời”, sư cô Tuệ Hạnh nhớ lại.
 
Hằng ngày, ngoài công việc nhà chùa, sư cô cùng các ni sư chăm lo cho các em nhỏ, cụ già từng bữa ăn, giấc ngủ. Sư cô chỉ tay về hướng một phụ nữ gầy gò, ốm yếu rồi cho biết đó là chị Nguyễn Thị Lai. Chị Lai bị bệnh nặng, một bên lá phổi bị cắt bỏ. Cứ vài ngày, sư cô phải mời bác sĩ đến khám hoặc đưa đi bệnh viện. “Cách đây hơn 2 năm, chị Lai trải qua cơn nguy kịch, hấp hối. Trong lúc xe bệnh viện đưa chị Lai về, mọi người ở nhà đã chuẩn bị mọi thứ cho tang lễ, nếu điều tệ nhất xảy ra. Thế nhưng như một phép màu, chị ấy vẫn còn sống đến bây giờ”, sư cô Tuệ Hạnh kể.
 
Ngoài chị Lai, ở đây các cụ già được chăm sóc như trong chính căn nhà của mình. Sự quan tâm, yêu thương ở mái ấm này đã giúp họ cảm thấy đồng cảm, an yên. Cụ Hồ Thị Chi (83 tuổi) cảm động nói: "Hơn 3 năm nay, được các sư cô trong chùa lo chu toàn, tôi cảm kích vô cùng". 
 
Không chỉ chăm lo việc đạo, sư cô Tuệ Hạnh luôn hết lòng chăm lo việc đời, nhất là công tác khuyến học và giúp đỡ người nghèo. Hằng năm, sư cô luôn dành những suất học bổng để tặng các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường. Học sinh nông thôn còn nhiều thiệt thòi, sư cô còn dự định mở các lớp học miễn phí vào cuối tuần, xây dựng thư viện mini để trau dồi văn hoá đọc. 
 
Lúc ra về, trong đầu tôi như văng vẳng lời sư cô Tuệ Hạnh: “Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi việc làm trong cuộc sống này đều là tuỳ duyên". Mong rằng những hành động ý nghĩa của sư cô sẽ tiếp tục lan tỏa, để có thêm nhiều tấm lòng nhiệt huyết chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
 
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 
 

.