(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, người khuyết tật (NKT) còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tự tạo thu nhập cho bản thân. Vì vậy, để NKT có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, tự lao động nuôi sống bản thân, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Còn bị phân biệt
Theo số liệu thống kê của Hội NKT tỉnh, hiện Quảng Ngãi có gần 60 nghìn NKT, phần lớn sống ở nông thôn, miền núi với điều kiện kinh tế khó khăn. Số NKT làm việc trong các cơ quan nhà nước chỉ chiếm 0,01% so với số NKT trên địa bàn tỉnh và chỉ có khoảng 15% tự tạo được thu nhập. Vì vậy, phần lớn NKT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) tự tạo thu nhập ổn định bằng nghề sửa chữa xe máy. |
Phó Chủ tịch Hội NKT tỉnh Phan Thành Chung cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NKT khó tìm được việc làm, nhưng có lẽ nguyên nhân đầu tiên là do họ hạn chế về sức khỏe, điều kiện đi lại, giao tiếp. Một số người còn tâm lý e ngại, thiếu tự tin, nên không chủ động tìm việc làm để hòa nhập cộng đồng”.
Mặt khác, NKT vấp phải sự phân biệt đối xử của một số doanh nghiệp, cộng đồng dân cư... Ngoài ra, do các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa đủ “hấp dẫn” để doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Trong đó, Chính phủ đã có những quy định khuyến khích NKT tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho NKT; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT...
|
“Theo quy định, doanh nghiệp sử dụng trên 30% lao động là NKT thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước... Tuy nhiên, họ lo ngại về khả năng lao động, nên rất hiếm doanh nghiệp nhận NKT vào làm”, ông Chung cho biết thêm.
Cần sự đồng hành
Không muốn phụ thuộc vào gia đình, sau khi tốt nghiệp ngành sửa chữa ô tô, anh Nguyễn Văn Quang, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đã tự tạo công việc cho bản thân thông qua nguồn hỗ trợ vay dành cho NKT để mở một tiệm sửa chữa xe máy.
Nhờ tay nghề cao, được khách hàng tin tưởng, anh Quang có điều kiện phát triển kinh tế. Không chỉ sửa chữa xe máy, xe đạp, anh còn nuôi thêm 3 con bò để có thêm thu nhập.
Với ý chí, nghị lực vươn lên nghịch cảnh, không cam chịu số phận, anh Quang cùng với gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn. Anh Quang chia sẻ: Tôi không thể nào quên sự trợ giúp của nhà hảo tâm, các cấp hội và địa phương đã giúp đỡ, đồng hành trong những năm tháng khó khăn, giúp tôi có thêm động lực để vươn lên.
Để giúp đỡ NKT tự tạo việc làm, từ đầu năm 2019, Hội NKT tỉnh đã triển khai thí điểm Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT ở huyện Nghĩa Hành. Theo đó, có 20 hộ NKT được trao con giống để phát triển chăn nuôi.
Anh Nguyễn Phước An, NKT ở thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức nhận hỗ trợ 100 con gà giống. “Từ trước đến nay, mọi khoản chi tiêu tôi đều nhờ vào bố mẹ. Nay có đàn gà tôi sẽ cố gắng chăm sóc và tăng đàn để tạo thu nhập cho bản thân, không phải phụ thuộc vào gia đình”, anh An cho hay.
Nhiều NKT không chỉ có nghị lực, ý chí vươn lên mà họ còn truyền nghị lực sống cho những người đồng cảnh ngộ và xã hội. Tuy nhiên, khó khăn chung đối với NKT khi tự tạo việc làm là thiếu kinh phí. Vì vậy, để NKT có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, tự lao động nuôi sống bản thân, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
“Trong thời gian tới, Hội NKT tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình thiết thực để nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương; tăng cường tuyên truyền về chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho NKT để họ có thể tự tạo ra việc làm cho bản thân”, ông Chung cho biết.
Bài, ảnh: VŨ YẾN