(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh lùi xa, nhưng nỗi đau da cam thì vẫn còn, để lại bao lo lắng cho nhiều gia đình. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 23.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Để xoa dịu phần nào nỗi đau của họ, những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo cho người nhiễm chất độc da cam/dioxin.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng (NDPHCN) cho nạn nhân chất độc da cam Đức Phổ mới thấy sự cố gắng từng giờ, từng ngày của cán bộ, nhân viên, giáo viên cùng nạn nhân da cam ở đây. Giáo viên vừa là người thầy vừa là người mẹ, người bạn đồng hành cùng các nạn nhân đang điều trị, giúp họ lấy lại khả năng đi lại, hoạt động cơ thể và trí não...
Một tiết học âm nhạc của nạn nhân da cam ở Trung tâm NDPHCN Đức Phổ. |
Chị Trần Thị Như Ý, giáo viên trung tâm chia sẻ: "Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, nên dạy và điều trị cho nạn nhân da cam càng khó gấp bội. Chúng tôi xem các trẻ điều trị ở đây như con của mình, mọi cử chỉ đều nhẹ nhàng; chịu khó quan sát, thấu hiểu từng nỗi đau của nạn nhân để có biện pháp điều trị phù hợp nhất".
Từ năm 2015 - 2017, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động 240 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, 3 tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đóng góp tiền, vật chất trị giá hơn 22 tỷ đồng. Hỗ trợ cho hơn 100 nạn nhân chất độc da cam; xây dựng, sửa chữa 24 nhà; tặng 176 con bò, 5 con trâu, 10 con heo, cấp 224 suất học bổng, thực hiện chương trình nước sạch cho 6 trường THCS, tặng hơn 23 nghìn suất quà... |
Quả thật, với một tiết học cảm thụ âm nhạc, cô giáo mở bài nhạc nhẹ, hướng dẫn động tác múa đơn giản nhất, như đưa tay lên khỏi đầu, xoay vòng rồi lăn xuống tấm nệm trên nền nhà nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện. Nhiều trẻ phải vật lộn với từng động tác. Cô giáo phải đến gần từng trẻ dắt tay, làm chỗ dựa cho trẻ tập luyện.
"Tuy vất vả, song, sau hơn 3 tháng cảm thụ âm nhạc, nhiều trẻ có bước tiến triển khả quan, có thể tự chuyển động tay, chân theo cô giáo hướng dẫn. Điều đó là động lực để giáo viên đồng hành với nạn nhân da cam", cô Ý tâm sự.
Nhờ sự nỗ lực, các nạn nhân điều trị ở trung tâm đều có nhận thức tích cực, hoạt động cơ thể nhiều hơn. Trường hợp của em Phạm Minh Trường (12 tuổi) ở xã Phổ Ninh bị tự kỷ và mất ngôn ngữ, vào điều trị ở trung tâm từ năm 2017, đến nay đã biết giao tiếp bằng mắt, tự ăn uống, hòa nhập vui chơi với cô và các bạn.
Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, trung tâm đã điều trị 48 nạn nhân thường xuyên và theo giờ. Đã có ba nạn nhân trở lại với cuộc sống bình thường, tự lao động kiếm sống, như đi làm thêm, buôn bán. Giám đốc trung tâm Nguyễn Văn Toàn cho biết: Ngoài kinh phí do hội đầu tư, trung tâm còn vận động nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ chăm lo cho nạn nhân.
Năm 2016, trung tâm vận động hơn 66 triệu, năm 2017 vận động hơn 102 triệu và mua sắm nhiều thiết bị điều trị mới, như xe đạp, máy chạy bộ, với tổng số hơn 20 dụng cụ điều trị. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, trung tâm còn vận động các trường học, hội đoàn thể ở huyện hỗ trợ hơn 1.370kg gạo cho nạn nhân.
Tại Trung tâm NDPHCN cho nạn nhân da cam Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) có 10 nạn nhân đang điều trị thường xuyên đã dần phục hồi nhận thức, biết chào hỏi, tự ăn uống, phân biệt màu sắc, con số, chữ... Giám đốc Trung tâm Lê Văn Tiền cho biết, tùy theo từng cháu mà áp dụng biện pháp điều trị khác nhau.
Nhìn chung, các nạn nhân vào đây đều dần ổn định tinh thần và hoạt động tay chân. Đó là động lực để chúng tôi đồng hành cùng nạn nhân và mong rằng, các tổ chức, cá nhân sẽ quan tâm hơn nữa đến những nạn nhân da cam.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phan Thanh Long cho biết: Nỗi đau da cam là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Chúng tôi sẽ nỗ lực đồng hành, san sẻ, hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: SU SU