Đất quế hôm nay

09:09, 05/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- 58 năm trước, vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế tiến công, tiêu diệt địch, làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vang dội. Mảnh đất quật khởi năm xưa, nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, với những gam màu sáng.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày này, Bảo tàng Trà Bồng, nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh một thời oanh liệt của quân và dân Trà Bồng quật khởi năm xưa luôn nhộn nhịp. Các CCB, người dân và các em học sinh đến đây để nhớ lại và hiểu thêm quá khứ hào hùng của đất và người miền Tây Quảng Ngãi.
 
Ký ức những năm tháng hào hùng

 Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Văn Lâm, nay đã 75 tuổi, song cuộc khởi nghĩa Trà Bồng năm xưa vẫn hằn sâu trong tâm trí ông. Ông Lâm kể: “Trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, đồng bào ở đây không hề bị khuất phục, mà ngược lại tinh thần và khí phách ngày càng dâng cao, một lòng, một dạ theo Cụ Hồ, theo Đảng”.

 Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Văn Lâm xem lại những hình ảnh cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tại bảo tàng huyện.
Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Văn Lâm xem lại những hình ảnh cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tại bảo tàng huyện.


Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sáng ngày 28.8.1959, từ sáng sớm, hàng ngàn đồng bào các dân tộc anh em ở Trà Bồng được đơn vị vũ trang 339 hỗ trợ đã đánh trống, thổi tù và, đốt đuốc, đốt lửa vang khắp núi rừng. Quần chúng nhân dân, đơn vị vũ trang 339, du kích kéo đến vây hãm các đồn Eo Chim, Tà Lạt, Đá Líp... buộc địch phải bỏ đồn chạy về quận lỵ Trà Bồng. Nhân dân nhất tề đứng lên làm cuộc khởi nghĩa, đánh đổ chính quyền tay sai Mỹ - Diệm và xây dựng quyền làm chủ của mình, đem lại cuộc sống tự do cho đồng bào. Ngọn lửa ấy đã nhanh chóng lan truyền đến khắp các vùng lân cận, từ đó khởi nghĩa đã tiếp tục bùng nổ ở Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long... và liên tiếp giành thắng lợi.

Đưa tay chỉ về bức ảnh treo ở bảo tàng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Minh Sơn, một trong những người phóng lửa đốt đồn Nước Vọt- xã Trà Sơn, xúc động nói: “Lúc ấy già mới 19 tuổi, là Phó Bí thư Huyện đoàn, được tổ chức giao nhiệm vụ tập hợp, vận động thanh niên tham gia kháng chiến, giết địch, giải phóng quê hương”. Bước đến nơi trưng bày những dụng cụ vũ khí thô sơ năm xưa như nỏ, tên, chông... ông Sơn cho biết, đó là những thứ vũ khí mà quân và dân Trà Bồng năm xưa dùng bẫy, phục kích giết địch. Với lợi thế quen thuộc địa hình rừng núi, quân và dân Trà Bồng đã bao vây, chốt chặn, ngăn đường, diệt ác ôn, phá kìm kẹp đối với địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, làm tan rã đội quân tay sai của chính quyền Mỹ - Diệm.
 

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh, cho biết: Đảng bộ, quân và dân Trà Bồng quyết tâm tận dụng những thời cơ, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giữ ổn định diện tích rừng sản xuất, triển khai vùng chuyên canh cây quế; vận động nhân dân trồng rừng nguyên liệu kết hợp với trồng cây gỗ lâu năm để có giá trị kinh tế cao; trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế. Kêu gọi thu hút đầu tư một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như Cà Đam, Thạch Bích; chỉnh trang các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng để thu hút du khách và phát triển du lịch...

Chung sức xây dựng đất quế đi lên

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngọn lửa tinh thần của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn bừng sáng. Người dân một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bức tranh miền núi phía tây Quảng Ngãi đã sáng lên những gam màu mới. Năm 2004, Trung ương đã đồng ý cho tách 9 xã phía tây của huyện để thành lập huyện Tây Trà. Đối với Trà Bồng, đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng đã có bước phát triển đáng kể. Địa phương đã phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, ưu tiên trồng keo lá tràm và cây quế truyền thống, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, đường nhựa thông suốt từ huyện về đến xã.

Trà Bồng cũng đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Với doanh thu trên 59 tỷ đồng, ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện là nhóm ngành phát triển, tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2017 (tăng trên 17% so với cùng kỳ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng.  Đặc biệt, dịch vụ du lịch của huyện đã thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong tỉnh. Khu du lịch sinh thái Cà Đam, hiện nay đã được UBND tỉnh  phê duyệt quy hoạch chi tiết; điện Trường Bà đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa  cấp quốc gia; Lễ hội điện Trường Bà được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, khu nước khoáng thiên nhiên Thạch Bích đã được đưa vào quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng... Địa phương cũng đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới, đến nay bình quân đạt trên 8 tiêu chí/xã...

 Sản xuất quế, một thế mạnh của huyện Trà Bồng đã và đang được phát huy.
Sản xuất quế, một thế mạnh của huyện Trà Bồng đã và đang được phát huy.


 Có thể nói, phát huy truyền thống cách mạng, được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, của tỉnh, cán bộ và nhân dân huyện Trà Bồng nói riêng và miền Tây Quảng Ngãi nói chung đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, xứng đáng với truyền thống quật khởi năm xưa.

Sức sống mới của đô thị Trà Xuân

Tản bộ trên con đường rực rỡ cờ hoa giữa thị trấn Trà Xuân hôm nay, những người như ông Lâm, ông Sơn không khỏi tự hào khi chứng kiến thị trấn Trà Xuân ngày một khang trang. Đưa mắt hướng về đỉnh Cà Đam, ông Lâm bùi ngùi nói: “Sau giải phóng, vùng đất này vô cùng khó khăn. Trà Xuân lúc bấy giờ toàn nhà tranh tre, nứa lá…. Nhưng hôm nay đã đổi thay vượt bậc”.

Từ khi con đường chạy dọc từ đông sang tây thị trấn được mở ra đã giúp phố núi sáng hẳn lên. Đấy cũng là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển đô thị Trà Xuân, giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của Huyện ủy Trà Bồng. Chính con đường này đã mở ra hướng phát triển thương mại - dịch vụ cho thị trấn Trà Xuân và khởi xướng cho quá trình phát triển của đô thị vùng cao này. Các công trình công cộng như Quảng trường mang tên 28.8, Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng... được chỉnh trang, xây mới đã tô điểm cho sự phát triển mạnh mẽ trên vùng đất quế. Thị trấn Trà Xuân hôm nay đã được tỉnh công nhận là đô thị loại V.

 Thị Trấn Trà Xuân hôm nay.
Thị Trấn Trà Xuân hôm nay.


Chủ tịch UBND thị trấn Trà Xuân Võ Văn Triều, phấn khởi nói: Để được công nhận đô thị loại V là một sự nỗ lực lớn của chính quyền, nhân dân cả huyện. Được trợ lực từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nên bộ mặt thị trấn nay được tô điểm bởi những công trình mới ngày càng nhiều. Năm 2017, được ngân sách huyện hỗ trợ xi măng, sạn, nhân dân thị trấn đã đồng lòng góp tiền, ngày công, hiến đất, hoa màu trị giá hàng tỷ đồng để bê tông 34/45 tuyến đường liên khu dân cư. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục phấn đấu đưa thị trấn đạt đô thị loại IV vào năm 2020.


Bài, ảnh: KIM NGÂN  




 


.