Tự hào đất quế hôm nay

07:08, 28/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dịp tháng Tám về, đồng bào các dân tộc ở Trà Bồng như sống lại những ngày tháng quật khởi kiên cường năm xưa. Trên chặng đường mới hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, các dân tộc anh em trên vùng đất quế phát huy tinh thần quật khởi, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

TIN LIÊN QUAN

Về vùng đất quế những ngày này chúng ta như được sống lại những ngày tháng oanh liệt. Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày khởi nghĩa cách nay hơn nửa thế kỷ đang được tổ chức. Vào mỗi dịp này, Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng đất quế càng tự hào hơn khi quê hương từng ngày đổi mới, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây không ngừng được cải thiện.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc (bìa phải) - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng tại lễ bàn giao nhà cho người dân ở thôn Tây, xã Trà Sơn. Ảnh: T.THUẬN
Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc (bìa phải) - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng tại lễ bàn giao nhà cho người dân ở thôn Tây, xã Trà Sơn. Ảnh: T.THUẬN

 
Được thiên nhiên ưu ái tặng cho sản vật là cây quế, có suối nước nóng Thạch Bích… cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, đã trở thành những thế mạnh, góp phần đưa kinh tế - xã hội vùng đất cách mạng từng bước vươn lên, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đồng chí Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng vui mừng chia sẻ: Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương liên tục phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt gần 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng ngày càng giảm tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Lý giải về sự phát triển đi lên của địa phương đồng chí Bắc cho biết, đó là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự quản lý, điều hành của các cấp, ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân và sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và tỉnh. Nhiều chương trình mục tiêu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện cuộc sống của người dân. Cơ sở hạ tầng được đầu tư có trọng tâm, mang lại những chuyển biến tích cực, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong huyện và giữa huyện với tỉnh.

 

Trà Bồng đang từng ngày đổi mới.                              Ảnh: X.THIÊN
Trà Bồng đang từng ngày đổi mới. Ảnh: X.THIÊN


Huyện đã chú trọng khai thác những lợi thế của địa phương. Đó là phát triển cây quế, quy hoạch khai thác nguồn nước nóng quý giá Thạch Bích… Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã ghi nhận quế Trà Bồng là 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam xác lập kỷ lục Châu Á mới. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân huyện Trà Bồng, của tỉnh Quảng Ngãi mà là niềm vui chung của Việt Nam. Quế Trà Bồng đang có cơ hội vươn ra thị trường Châu Á và thế giới. Trên cơ sở đó, huyện đã mạnh dạn vận động đồng bào tiếp tục phát triển loại cây truyền thống quý giá này. Hiện nay, diện tích cây quế trên địa bàn huyện khoảng 4 ngàn hecta, là một trong những loại cây chủ lực của địa phương. Với thương hiệu được xác lập kỷ lục, cây quế hôm nay đang là nguồn kinh tế đáng kể của người dân.

Cùng với đặc sản quế, Trà Bồng đã và đang quy hoạch để phát triển du lịch. Một lợi thế của Trà Bồng là được thiên nhiên ban tặng cho những cánh rừng xanh thẳm, mát mẻ ở vùng núi Cà Đam, Cà Đú, cùng suối nước nóng tự nhiên Thạch Bích (thuộc địa phận xã Trà Bình) đã và đang nghiên cứu khai thác. Trong chiến lược phát triển của huyện, khu nghỉ dưỡng sinh thái Thạch Bích (gần 300ha) sẽ là cú hích đưa Trà Bồng có tên trong bản đồ du lịch không chỉ của tỉnh mà còn là của cả nước.

Sản phẩm quế Trà Bồng đã trở thành 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam xác lập kỷ lục Châu Á mới.
Sản phẩm quế Trà Bồng đã trở thành 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam xác lập kỷ lục Châu Á mới.


Đi đôi với phát triển kinh tế, vai trò của văn hóa cũng được chú trọng. Những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy làm nền tảng cho xã hội. Tháng 5 vừa qua, Điện Trường Bà ở thị trấn Trà Xuân đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Lễ hội Điện Trường Bà hằng năm của người dân địa phương là nơi quy tụ và là “sợi dây” của tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc anh em trên vùng đất này. Lễ hội này đang làm hồ sơ để được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.  

Sau nhiều năm phấn đấu, phát huy truyền thống quật cường của quê hương, người dân Trà Bồng bây giờ đã định canh định cư, biết khai thác những tiềm năng đất đai, khai hoang ruộng bậc thang, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, phát triển đàn gia súc, gia cầm, cải thiện đời sống. Các Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ… giúp đồng bào vùng cao Trà Bồng từng bước cải thiện cuộc sống nhờ phát triển kinh tế nông lâm kết hợp. Trong tương lại không xa, Trà Bồng phấn đấu ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.
 

 XUÂN THIÊN


 


.