Triển vọng mới cho vùng đất quế

01:01, 26/01/2013
.

(QNg)- Xuân này, đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà vui như mở hội khi sản phẩm quế lập kỷ lục Việt Nam. Thêm vào đó là việc Công ty CP Tinh dầu quế Quảng Ngãi đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến tinh dầu quế tại Tây Trà, mở ra triển vọng mới cho vùng đất quế.
 

TIN LIÊN QUAN


Hồi sinh nhờ có thương hiệu

Những năm 90 của thế kỷ trước là thời vàng son của cây quế Trà Bồng. Giá quế có lúc lên đến 60.000 đồng/kg. Theo đó, diện tích quế phát triển hơn 10.000ha. Thế nhưng, đến năm 2000, giá quế rớt thê thảm, có lúc chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Quế bị người dân chặt bỏ. Nguyên do cũng vì thời hoàng kim, người dân khai thác quế một cách ồ ạt, dẫn đến cây quế bản địa nhường đất cho cây quế phía Bắc phát triển ngay trên đất Trà Bồng.

 

Quế phía Bắc tuy phát triển nhanh, nhưng vỏ mỏng, ít dầu, nên nước ngoài ít chuộng. Sớm thấy được điều này, lãnh đạo huyện Trà Bồng, Tây Trà đã chỉ đạo bảo tồn giống quế bản địa trên cơ sở vận động người dân trồng quế địa phương, loại bỏ dần quế ngoại lai. Từ chủ trương này, người dân Trà Bồng đã quay lại trồng quế bản địa. Hiệu quả là quế Trà Bồng - Tây Trà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu.

 

Nhân viên C.ty TNHH Hương quế Trà Bồng phơi quế.
Nhân viên C.ty TNHH Hương quế Trà Bồng phơi quế.


Bà Trần Thị Hạ, vợ chủ doanh nghiệp Hương Quế Trà Bồng - chuyên kinh doanh mặt hàng quế ở thị trấn Trà Xuân, cho biết: "Từ khi quế Trà Bồng có thương hiệu, việc kinh doanh quế thuận lợi hơn. Đặc biệt là mấy năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp mua hàng trăm tấn quế, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn hàng. Được như vậy là nhờ đồng bào Cor ở Trà Bồng - Tây Trà dốc lòng trồng quế địa phương. Có thương hiệu, quế Trà Bồng - Tây Trà được bạn hàng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Niềm tin của họ vào sản phẩm cũng tăng lên".

Đưa tay chỉ rẫy quế của mình, anh Hồ Văn Tâm ở xã Trà Thọ kể: Với đồng bào Cor thì quế là loại cây trồng không thể thiếu của mỗi gia đình. Nhà ít thì trồng vài trăm cây, nhà nhiều thì trồng hàng chục ngàn cây. Có gia đình trồng đến cả trăm ngàn cây. "Ông cha mình dựa vào cây quế để sống. Đến đời mình, rồi đời con và đời cháu mình cũng phải dựa vào cây quế để khá lên thôi. Hiện gia đình tôi còn trên rẫy khoảng 20.000 cây quế từ 4 -10 tuổi, nếu bán cũng được kha khá tiền, nhưng chỉ lúc nào cần tiền gia đình mới bóc vỏ"- anh Tâm nói.

Vững tin vào cây quế

Ông Hồ Viết Mật, xã Trà Thủy cho biết, ba năm nay, khi cây quế có thương hiệu, giá quế tăng cao, người dân trồng quế nhiều hơn. "Riêng rẫy quế của tôi có khoảng 50.000 cây lớn nhỏ. Năm nay tôi trồng thêm vài ngàn cây. Nếu giá quế rẻ thì mình phải trồng nhiều để có nhiều quế mà bán" - ông Mật nói. Đầu thập niên 1990, ông Mật là một trong số ít người ở Trà Thủy xây được ngôi nhà ngói to đẹp nhờ việc bán quế. Hiện mỗi năm gia đình ông bán vài ba tạ quế, nhưng rẫy quế lúc nào cũng còn hàng chục ngàn cây, trong đó phân nửa số cây có thể khai thác. "Tiền người Cor cất ở rẫy quế, cây quế" - ông Mật ví von và cũng như hầu hết người Cor ở Trà Bồng, mỗi khi cần tiền trang trải cuộc sống là ông Mật lại cùng con cháu lên rẫy róc quế bán.

Ông Trần Văn  Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết: Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu, giá quế bắt đầu tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Hàng ngàn hộ dân ở Trà Bồng và Tây Trà đã trồng quế trở lại. Theo đó, diện tích quế cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 2007, diện tích trồng quế của Trà Bồng chỉ là 350 ha, thì nay là 2.000ha. Nhiều nhất là xã Trà Hiệp (505ha), Trà Sơn (330ha); Trà Thủy (320ha), Trà Lâm (310ha)...

Cũng như Trà Bồng, mỗi năm huyện Tây Trà đầu tư hàng trăm triệu đồng để gieo ươm quế giống cấp phát cho người dân. Ông Đỗ Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Huyện có nhiều dự định mới về phát triển cây quế. Trước mắt, mỗi năm huyện tập trung phát triển 400 ha quế; đồng thời chủ trương trồng hỗn giao quế với các loài cây có thời gian sinh trưởng ngắn, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây chuối, thơm… Huyện  xác định, chỉ ươm trồng giống quế địa phương, hoặc quế Trà My để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ được giống quế thuần của địa phương. Mặt khác, việc Công ty CP Tinh dầu Quế Quảng Ngãi đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu quế ở Tây Trà sẽ góp phần thúc đẩy cây quế phát triển, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Lận đận một thời, cây quế Trà Bồng giờ đã có hướng đi. Và, trong tương lai không xa, những rừng quế lại mọc lên xanh đồi, thơm ngát đất Trà Bồng, Tây Trà, mang về no ấm cho đồng bào.

 

Bài ảnh: Bá Sơn
 


.