Kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961 -10.8.2017):
Tích cực hỗ trợ nạn nhân da cam

09:08, 10/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn "ở lại" với nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh, khiến cuộc sống vật chất, tinh thần của họ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân rất cần sự chung tay của cả xã hội.

Vợ chồng ông Lê Công Hiếu ở thôn An Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) từng là người lính quả cảm trong kháng chiến, mọi khó khăn, gian khổ ông bà đều vượt qua, vậy mà giờ đây đành bất lực nhìn hai người con trai Lê Hoài Hiệp và Lê Thành Hưng sống trong cảnh khờ dại, bệnh tật dày vò. Năm 2012, anh Hiệp qua đời sau những cơn động kinh triền miên. Vượt qua nỗi đau, ông bà cố gắng lao động để người con còn lại có cuộc sống tốt hơn, nhưng rồi vẫn cứ nghèo. Gia đình ông Hiếu là đại diện cho hơn 23.000 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trên địa bàn tỉnh đã và đang từng ngày gánh chịu nỗi đau của chất độc da cam.

Cán bộ Trung tâm PHCN Nghĩa Thắng luyện tập cho các nạn nhân da cam.
Cán bộ Trung tâm PHCN Nghĩa Thắng luyện tập cho các nạn nhân da cam.


Những năm qua, các cấp hội NNCĐDC/dioxin trong tỉnh đã tích cực vận động cộng đồng chăm sóc, trợ giúp các NNCĐDC và giúp gia đình các nạn nhân khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Phan Thanh Long, cho biết: “Thời gian qua, các cấp chính quyền, hội đoàn thể và các nhà hảo tâm luôn đồng hành với NNCĐDC. Tuy nhiên, do cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, nên rất cần sự chung tay của cộng đồng”.   
 

Hai Trung tâm PHCN cho NNCĐDC còn nhiều khó khăn

Chủ tịch Hội NNCĐDC /dioxin tỉnh Phan Thanh Long, cho biết: Hiện tại, hai Trung tâm thiếu kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu luyện tập, điều trị cho NNCĐDC, do toàn bộ kinh phí hoạt động được huy động từ nguồn xã hội hóa… Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, tiếp tục hỗ trợ kinh phí để công tác PHCN cho NNCĐDC trên địa bàn tỉnh được duy trì, giúp NNCĐDC hòa nhập với cộng đồng.

Ông Nguyễn Tấn Huy ở thôn Thiệp Sơn, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) là nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam, con trai ông từ khi sinh ra đã bị bại não, vì thế cuộc sống gia đình ông rất khó khăn.

Chia sẻ với gia đình ông Huy, thông qua Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, Tổ chức Mennonite Central committee (MCC) đã hỗ trợ một con bê giống cho gia đình ông từ Chương trình “Ngân hàng bò”. “Năm vừa rồi tôi được nhận một con bê giống. Con bê như là khoản tiết kiệm của gia đình, tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm của cộng đồng”, ông Huy bày tỏ.

Chương trình “Ngân hàng bò” được tổ chức MCC hỗ trợ cho các hộ gia đình là NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn ở 4 xã: Phổ Thuận, Phổ Nhơn (Đức Phổ) và Đức Hòa, Đức Thạnh (Mộ Đức). Từ năm 2014 đến nay đã có trên 100 gia đình được hỗ trợ bò giống, ngoài ra đã thực hiện chuyển giao 30 con bê non cho các hộ nạn nhân kế tiếp tại địa phương.

Không chỉ hỗ trợ trong phát triển kinh tế, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh còn hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng (PHCN) cho nạn nhân, để họ có thể hòa nhập cộng đồng. Cuối năm 2011, Trung tâm PHCN cho NNCĐDC Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) được thành lập từ nguồn kinh phí vận động. Sau đó, năm 2015 Trung tâm PHCN Đức Phổ cũng ra đời. Cả 2 trung tâm đã hỗ trợ cho khoảng 60 nạn nhân tập luyện PHCN, giúp các nạn nhân tự chủ trong sinh hoạt, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, nâng cao thể chất.

Ông Lê Xuân Long, cha của em Lê Thị Xuân Trang, là nạn nhân thế hệ thứ 3 ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng, cho biết: “Trang chịu ảnh hưởng của chất độc da cam từ ông nội. Từ khi sinh ra tay chân cháu bị co rút, lại bị thiểu năng trí tuệ. Tôi đưa cháu đến trung tâm luyện tập thường xuyên, giờ Trang đã có thể cầm nắm đồ vật, tự đi lại, tự sinh hoạt ăn uống... gia đình rất vui”. Với những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn đã góp phần giảm bớt những khó khăn cho các NNCĐDC cùng gia đình. Đây là nguồn động viên, giúp các gia đình vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
                        

Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.