Chung tay giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

05:07, 05/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo số liệu  của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, cả nước có 11% phụ nữ (tuổi từ 20 -49) của 53 dân tộc thiểu số đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Riêng ở Quảng Ngãi, tỷ lệ này không cao, nhưng tình trạng tảo hôn đang có xu hướng tăng. Điều này không chỉ làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

TIN LIÊN QUAN

Khi còn là học sinh lớp 12A5 Trường THPT Ba Tơ, em Phạm Thị H (ở thị trấn Ba Tơ) đã lấy chồng khi mới 17 tuổi 8 tháng. Vừa mang thai, vừa đi học và đã sinh con ngay trước ngày thi THPT, nên đã gây trở ngại đến việc học tập của em. Giờ đây, em đã là mẹ của một đứa trẻ, do chưa có kiến thức, kỹ năng làm mẹ, nên việc chăm sóc con gặp rất nhiều khó khăn.
 

5 năm, trên 1.000 trường hợp tảo hôn

Từ năm 2011 - 2016, tỉnh ta có trên 1.000 trường hợp tảo hôn; trong đó, tỷ lệ tảo hôn ở độ tuổi từ 13 -17 tuổi của nữ là 785 trường hợp (chiếm 68,3%), của nam là 364 trường hợp (chiếm 31,7%).

Tuy có nhiều nỗ lực trong ngăn chặn nạn tảo hôn, nhưng năm học nào ở Trường THPT Ba Tơ vẫn có từ 15 - 20 em lấy vợ hoặc chồng khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Từ năm 2013 đến nay, trường có 47 trường hợp kết hôn trước độ tuổi quy định, trong đó có 98% trường hợp là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Riêng trong năm học 2016-2017, nhà trường có 13 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở khối 12. Tảo hôn trong trường học đang là vấn đề nhức nhối, bởi hậu quả của tảo hôn rất lớn, làm giảm chất lượng dạy và học trong nhà trường; nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm chất lượng dân số.

Tại xã Sơn Trung (Sơn Hà), từ năm 2011 đến nay có 17 trường hợp tảo hôn, trong đó năm 2016 có 8 trường hợp. Để nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình chấp hành tốt các quy định pháp luật về hôn nhân gia đình. Thông qua các buổi sinh hoạt ở khu dân cư, các chi tổ hội đã lồng ghép tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của thanh thiếu niên, phụ nữ về Luật Hôn nhân và gia đình; dẫn chứng những hậu quả do tảo hôn để lại.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Hà Đinh Thị Đoàn cho biết: Trong 5 năm qua, toàn huyện có gần 330 trường hợp tảo hôn và có xu hướng tăng. Để góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn và tiến tới không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống, huyện đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ mặt trận các cấp, nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về hậu quả của việc tảo hôn để truyền thông trong cộng đồng dân cư; xây dựng mô hình “CLB tiền hôn nhân ở các trường THCS và THPT; xây dựng mô hình “KDC  không có tảo hôn” bằng việc ký cam kết ở các hộ; chú trọng nêu gương “Người tốt, việc tốt” bằng những việc làm thiết thực, góp phần giảm tình trạng tảo hôn ở các địa phương.

Tình trạng tảo hôn ngày càng gia tăng, nhưng sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết, còn mang tính hình thức. Do đó, để ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về hôn nhân và gia đình. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác  tuyên truyền, giáo dục, chú trọng nêu cao vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với con cái và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Văn Thế cho biết: Chúng ta chưa xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nên chưa có tính răn đe. Do đó, thời gian tới, khi xảy ra sự việc cần đưa ra cơ quan chức năng xử lý, tránh tình trạng cả nể để 2 bên tự giải quyết. Mặt khác, cần có sự nỗ lực từ gia đình, nhà trường, các cấp ủy, chính quyền địa phương... trong công tác truyền thông.

Có như thế mới thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 – 2020” đạt hiệu quả. Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2025, cả nước cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Đây sẽ là thách thức cho các địa phương miền núi.
 

Thanh Thuận
 


.