(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày cận Tết, với những người làm nghề sửa quần áo, đánh bóng lư đồng... thì đây là thời điểm vất vả nhất. Họ “chạy đua” với thời gian để kiếm thêm ít tiền để có một cái Tết tươm tất hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dạo quanh các tuyến đường chính của thành phố, có thể cảm nhận được không khí Tết đang len lỏi trong từng ngôi nhà, ngõ phố. Khi các gia đình đang tất bật chuẩn bị mua sắm Tết thì nhiều người vẫn miệt mài mưu sinh để gia đình có được cái Tết đủ đầy. Ở một góc đường Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi), anh Lê Văn Thiện đang chăm chút đánh bóng bộ lư đồng.
Anh Thiện tâm sự: “Từ mùng 10 tháng Chạp, tôi bắt đầu nhận đánh bóng lư đồng. Công việc chính của tôi là làm thợ hồ, còn vợ thì buôn bán, tiền kiếm được vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Nhờ có nghề “tay trái” này mà lo được Tết cho gia đình tươm tất hơn”. Mỗi ngày anh Thiện đánh từ 2 - 3 bộ lư, bộ nhỏ tiền công 150.000 đồng, bộ lớn 250.000 đồng, cao gấp 2-3 lần so nghề thợ hồ.
Nghề may, dán giày dép tại Chợ Quảng Ngãi giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết. |
Giáp Tết cũng là “mùa làm ăn” của những người thợ sửa quần áo. Vào thời điểm này, người dân tranh thủ mua quần áo mới, “tân trang” quần áo cũ, nên những người thợ sửa quần áo luôn bận rộn. Tại một góc vỉa hè trên đường Nguyễn Nghiêm, chỉ mới đầu buổi sáng mà gian hàng của chị Trần Thị Nguyệt đã đầy ắp quần áo chờ sửa.
Chị Nguyệt cho hay, bình thường chị sửa đồ tại nhà, nhưng dịp gần Tết chị đến các cửa hàng bán quần áo xin ngồi nhờ ở một góc để thuận tiện cho việc giao nhận hàng. “Người ta mua quần áo mới nhưng cần lên lai, bóp eo... thì có mình ngồi ngay đó vừa tiện cho họ, vừa khỏe cho mình. Một ngày làm siêng thì cũng kiếm kha khá tiền. Nhà có hai mẹ con, tranh thủ kiếm thêm ít tiền để Tết được ấm cúng hơn”, chị Nguyệt nói.
Còn tại Chợ Quảng Ngãi, cạnh một góc chợ là chỗ ngồi của gần chục các cô, các chị làm nghề may, dán giày dép. Ngồi nép cạnh những thùng hàng xếp cao ngất, cô Lệ ở phường Nghĩa Chánh cho biết: “Thời điểm này là dịp kiếm thêm của chị em chúng tôi. Ngày thường tôi cũng làm nghề này, nhưng thu nhập thấp lắm. Nhưng đến gần Tết thì khác hẳn, ngày nào cũng cố gắng làm được vài ba chục đôi là có tiền sắm sửa ngày Tết rồi”. Cô Lệ cho biết thêm, hoàn cảnh các chị em ở đây đều khó khăn, nên ai nhận được nhiều hàng thì cũng chia sẻ với nhau cùng làm.
Cũng tại chợ Quảng Ngãi, những nghề như bốc vác hàng hóa, chở hàng, phụ bán hàng... được nhiều lao động nghèo lựa chọn để có thêm thu nhập. Em Nguyễn Thị Mỹ Liên, học sinh lớp 6 ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) những ngày này buổi sáng em theo mẹ đến chợ, trong khi mẹ của Liên phụ bán hàng ở một sạp hàng quần áo, thì Liên cùng nhiều bạn nhỏ khác cũng cầm trên tay chiếc nia nhỏ với những xấp bao lì xì đỏ mời chào khách. “Em thi học kỳ xong rồi, buổi sáng không đi học, nên em theo mẹ ra chợ bán bao lì xì. Mỗi bao lì xì bán ra em lời được 2.000 đồng. Mẹ nói em bán được nhiều thì mẹ sẽ mua cho chị em em quần áo mới”, Liên chia sẻ.
Bài, ảnh: VŨ YẾN