Phụ nữ Quảng Ngãi: Tích cực tham gia phát triển kinh tế

02:10, 26/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phụ nữ Quảng Ngãi ngày càng thể hiện được năng lực trong nhiều lĩnh vực công tác. Nhiều chị đã không ngừng nỗ lực trong học tập, đảm nhận các vị trí chủ chốt của các ngành, đoàn thể, địa phương; làm chủ các doanh nghiệp và tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lao động nữ chiếm hơn 50% lực lượng lao động. Với tinh thần thi đua: “Lao động sáng tạo” phụ nữ trong tỉnh đã năng động, tích cực tham gia sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao... đem lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Sản xuất nhang đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Ảnh: T.Phương
Sản xuất nhang đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Ảnh: T.Phương


Chị Võ Thị Bình (49 tuổi), thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hiện là Tổ trưởng Tổ sản xuất nhang quế thị trấn Trà Xuân, cho biết: Năm 2003, chị tham gia lớp học nghề nhang quế, do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức. Sau đó chị tham gia vào tổ sản xuất nhang quế của địa phương.

Phát triển kinh tế gia đình đối với phụ nữ nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp hội trong tỉnh quan tâm. Bởi lẽ, kinh tế phần lớn hội viên, phụ nữ khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đều khó khăn, nhưng lại là một lực lượng tương đối đông. Một cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển luôn là ao ước của các chị và cũng là trăn trở của Hội LHPN tỉnh trong nhiệm kỳ qua và cả trong nhiệm kỳ đến.
LÊ NA - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Đến năm 2008, được chính quyền đầu tư, hỗ trợ kinh phí để mở nhà xưởng. Nhờ vậy, chị em có được chỗ làm ổn định, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi. Mỗi tháng xưởng giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, với thu nhập từ 2- 4 triệu đồng/chị. Các chị không những có thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Cũng tại thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), nhờ chịu khó nghiên cứu và hỗ trợ của Hội Phụ nữ, vợ chồng chị Võ Thị Kim Anh (33 tuổi) đã đầu tư mô hình chăn nuôi heo khép kín quy mô lớn và thu lợi nhuận cao.  Năm 2008, được Hội Phụ nữ tín chấp ngân hàng cho vay số tiền 15 triệu đồng, chị Anh mượn thêm vốn của người thân để đầu tư trang trại nuôi heo ky.

Đến năm 2010, đàn heo ky của vợ chồng chị lên đến 100 con. Tuy nhiên, do nguồn tiêu thụ hạn chế, nên vợ chồng chị quyết định chuyển sang nuôi gà đẻ trứng. Chị mua 1.000 con gà giống Ai Cập ở tận Hà Nội về nuôi. Trung bình mỗi ngày đàn gà đẻ trên 700 quả trứng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2016, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn với số tiền 900 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi heo khép kín. Tổng giá trị cơ sở vật chất và 45 con heo nái của vợ chồng chị trên 1,7 tỷ đồng. Đến nay, đàn heo của gia đình chị có trên 110 con. Để có thêm những kiến thức trong chăn nuôi, chị Anh theo học lớp trung cấp thú y để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Vợ chồng chị còn thuê 5ha đất rừng để trồng keo. Nhờ đó, thu nhập của gia đình chị đạt trên 400 triệu đồng/năm.

Hội Phụ nữ xã Phổ Văn (Đức Phổ) cũng đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh mở nhiều lớp dạy, đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là nghề trồng nấm rơm.  Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên có tích lũy, chăm lo tốt việc học hành của các con. Điển hình là gia đình chị Phạm Thị Hòa, trung bình mỗi tháng chị thu về được 5 triệu đồng từ nghề trồng nấm.

Chị Huỳnh Thị Yến Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phổ Văn cho biết, ngoài đào tạo nghề, Hội còn hình thành các tổ “xoay vòng vốn” ở 5/5 chi hội với 26/26 tổ, có hơn 1.500 hội viên tham gia với số tiền gần 400 triệu đồng và đã cho trên 200 lượt chị mượn. Trong năm 2016, Hội đã huy động hơn 100 triệu đồng từ các mô hình để giúp đỡ các hội viên gặp khó khăn nói riêng và các gia đình nghèo trong xã nói chung.

T.PHƯƠNG-H.THU
 


.