Cần cảnh giác với thủ đoạn vay tiền trả lãi suất cao

09:10, 12/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Lợi dụng danh nghĩa của mình và với chiêu thức cần tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách hàng, Trương Trần Gia Bảo (1989)- nguyên là cán bộ tín dụng ở một ngân hàng có chi nhánh tại Quảng Ngãi, đã lừa các nạn nhân vay tiền với lãi suất cao rồi dùng thủ đoạn chiếm đoạt, tiêu xài cá nhân.

TIN LIÊN QUAN

Lừa tiền tỷ để… cá độ bóng đá
 
Thời gian qua, nạn “tín dụng đen” cho vay nặng lãi để làm thủ tục đáo hạn nợ ngân hàng dẫn đến phát sinh nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy là trò lừa cũ nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mới bị sụp bẫy mất tiền tỷ…
 
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến cho vay để đáo nợ ngân hàng. Nạn nhân là bà Huỳnh Thị Phương Sa (1960) ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) và Bùi Thị Ngọc Huệ (1966) ở phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi). Đối tượng bị truy tố ra trước tòa là Trương Trần Gia Bảo (1989) ở phường Trần Hưng Đạo (TP. Quảng Ngãi). 
 
Theo bản cáo trạng, trong thời gian làm nhân viên tại Phòng tín dụng cá nhân tại một ngân hàng ở tỉnh Quảng Ngãi, Trương Trần Gia Bảo đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số người để tiêu xài cá nhân.
 
Để đưa các nạn nhân “vào bẫy”, lợi dụng danh nghĩa là nhân viên ngân hàng, Bảo đã đặt vấn đề với những người có tiền cho vay là cần vay tiền cho khách hàng để đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao. Nhưng thực chất, sau khi nhận được tiền thì Bảo không cho ai vay lại mà chiếm đoạt sử dụng tiêu xài cho cá nhân. Với thủ đoạn này, từ ngày 26.12.2014 đến ngày 20.1.2015, Trương Trần Gia Bảo đã lừa đảo chiếm đoạt của 2 người với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. 
 
Bị cáo Trương Trần Gia Bảo tại phiên tòa
Bị cáo Trương Trần Gia Bảo tại phiên tòa
 
Thông qua mối quan hê quen biết, Bảo biết bà Huỳnh Thị Phương Sa có cho vay tiền ngắn hạn làm đáo hạn ngân hàng, Bảo điện thoại liên lạc với bà Sa, giới thiệu là nhân viên ngân hàng đang cần vay số tiền 900 triệu đồng để cho khách hàng vay lại làm đáo hạn tiền vay ngân hàng, hưởng lãi vay chênh lệch.
 
Tin lời của Bảo, nên bà Sa hẹn Bảo khoảng 16  giờ, ngày 26.12.2014 đến quán cà phê Phượng Vỹ để giao dịch. Tại đây bà Sa đã đưa cho Bảo 900 triệu đồng và thỏa thuận lãi suất 500 nghìn đồng/100 triệu/ngày (lãi suất 15%/tháng). Bảo đồng ý với lãi suất này và viết “giấy mượn tiền” theo mẫu giấy do bà Sa in sẵn, hẹn 5 ngày sau sẽ trả đủ tiền gốc và tiền lãi. Theo lời khai của Bảo, Bảo dùng số tiền này để trả nợ tiền cá độ bóng đá và chi tiêu cá nhân. 
 
Cũng với thủ đoạn tương tự, ngày 16.1.2015, Bảo tìm hiểu và biết bà Bùi Thị Ngọc Huệ là người cho vay tiền ngắn hạn làm đáo hạn ngân hàng. Bảo điện thoại hẹn gặp bà Huệ tại ngân hàng mình đang làm việc với mục đích chứng minh cho bà Huệ biết là Bảo đang làm nhân viên tại ngân hàng này để tạo niềm tin và đặt vấn đề vay tiền của bà Huệ.
 
Tại đây, Bảo nói đang cần số tiền 400 triệu đồng để cho khách hàng của Bảo vay lại làm đáo hạn ngân hàng trong thời gian ngắn (từ 5 đến 7 ngày). Bà Huệ tin tưởng nên đồng ý cho Bảo vay tiền với lãi suất 150 nghìn đồng/100 triệu/ngày (4,5%/tháng). Nhưng bà Huệ không đưa tiền mặt trực tiếp cho Bảo mà yêu cầu Bảo đưa số tài khoản ATM của khách hàng cần vay tiền làm đáo hạn ngân hàng để kiểm tra và chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của người đó. 
 
Để lấy được tiền, Bảo tìm găp anh T ở phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) là khách hàng có mở tài khoản ATM tại ngân hàng Bảo đang làm việc, Bảo dựng chuyện là có khách hàng gửi cho Bảo một số tiền nên Bảo mượn tài khoản của anh T để khách hàng chuyển tiền vào. Tin tưởng Bảo, nên anh T đồng ý cho Bảo mượn số tài khoản của mình. 
 
Khi mượn tài khoản của anh T, Bảo gọi cho điện thoại đọc số tài khoản của anh T cho bà Huệ và nói dối với chị Huệ đây là số tài khoản của khách hàng đang cần vay tiền, yêu cầu bà Huệ chuyển tiền vào số tài khoản này. Còn việc trả nợ sẽ do Bảo chịu trách nhiệm. Tin lời Bảo, chiều ngày 19.1.2015, chị Huệ nộp vào số tài khoản của anh T 400 triệu đồng. Sau đó, Bảo nhờ anh T đến ngân hàng rút tiền mặt đưa lại cho Bảo. Số tiền lấy được từ bà Huệ, Bảo cũng đem ‘nướng’ vào cá độ bóng đá và chi tiêu cá nhân. 
 
Trong thời gian đó, do bị bà Huỳnh Thị Phương Sa nhiều lần đến ngân hàng nơi Bảo đang làm việc để đòi nợ. Bảo sợ bị phát hiện việc Bảo đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Sa và sợ bị ngân hàng sẽ chấm dứt hợp động nên Bảo nảy sinh ý định tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Huệ để trả bớt cho bà Sa.
 
Với thủ đoạn tương tự, Bảo tiếp tục lừa bà Huệ vay thêm số tiền 200 triệu đồng. Sau khi lấy được tiền, Bảo dùng số tiền này chuyển trả cho bà Sa. 
 
Kể từ đó, Bảo không thực hiện việc trả nợ và chiếm đoạt luôn số tiền còn lại của bà Sa là 700 triệu đồng và bà Huệ là 600 triệu đồng. Bà Sa và bà Huệ nhiều lần liên lạc tìm gặp Bảo để đòi nợ nhưng Bảo cố tình lẩn tránh và không liên lạc được.
 
Vướng vào lao lý
 
Không thấy Bảo trả tiền và không liên lạc được với Bảo, biết mình đã bị lừa, tháng 3.2015, bà Sa và bà Huệ gửi đơn tố cáo Bảo đến Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Khi biết bà Sa và bà Huệ gửi đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT, nhằm che dấu hành vi phạm tội của mình, Bảo đã làm giả tài liệu góp vốn kinh doanh mua bán hải sản với anh Ngô Văn Đ và Ngô Văn P làm nghề kinh doanh hải sản ở Đức Phổ và khai báo với Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh là Bảo đã dùng số tiền vay được của bà Sa và bà Huệ và việc góp vốn kinh doanh hải sản với anh Đ và anh P bị thua lỗ hết. 
 
Tại phiên tòa xét xử, Bảo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và mong muốn Hội đồng xét xử khoan hồng, để Bảo sớm được trở lại hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, chăm sóc mẹ già và có điều kiện làm việc để trả nợ cho các nạn nhân. 
 
Tham dự phiên tòa, ai cũng thấy nuối tiếc cho Bảo, bởi từng tốt nghiệp Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ra trường có công việc ổn định, là niềm mơ ước của nhiều người, thế nhưng vì vướng cá độ bóng đá và để có tiền tiêu xài ngoài khoản thu nhập, Trương Trần Gia Bảo đã trượt dài trên con đường  phạm pháp. Bảo đã phải trả giá đắt cho việc làm của mình, khi nhận ra lỗi lầm thì đã muộn...
 
Đây là bài học đắt giá cho nhiều người hám lợi vì lãi suất cao (ảnh minh họa Internet)
Đây là bài học đắt giá cho nhiều người hám lợi vì lãi suất cao (ảnh minh họa Internet)
 
Trương Trần Gia Bảo đã phạm vào tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 4, điều 139 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào tội danh trên và các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Bảo năm tù 11 giam; đồng thời phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.
 
Vụ án trên là hồi chuông cảnh báo cho những ai muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bất chấp những quy định của pháp luật để rồi nhận lấy hậu quả bằng sự trừng phạt của pháp luật. Đồng thời, đây cũng là bài học đắt giá cho những ai nhẹ dạ cả tin, hám lợi nhuận cao, mà “nhắm mắt” đưa tiền và tài sản của mình cho những kẻ lừa đảo.
 
B.Ngọc
 

.