Ông dân số

02:07, 02/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai mươi ba năm qua, người dân xã Sơn Thành (Sơn Hà) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông ngày ngày cần mẫn gõ cửa từng nhà để tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ. Bà con thường gọi ông với cái tên trìu mến là “ông dân số”.

TIN LIÊN QUAN

Tham gia công tác DS - KHHGĐ từ năm 1993 đến nay, nên ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Ông Lê Văn Ứng tâm sự: "Công tác truyền thông dân số phải thực hiện theo phương châm mưa dầm thấm lâu. Đây cũng là vấn đề tế nhị nên phải kiên trì, khéo léo vận dụng các kỹ năng truyền thông trong vận động nhân dân thay đổi nhận thức". Bản thân ông Ứng có đến 7 mặt con.

“Cũng chính vì sinh con đông mà gia đình tôi rất khó khăn trong làm ăn, phát triển kinh tế. Vì thế, khi tuyên truyền tôi đã lấy gia đình mình ra để làm ví dụ minh họa cho việc sinh con đông thì cực khổ như thế nào”, ông hóm hỉnh, nói.

Ông Lê Văn Ứng luôn đến tận nhà để trao đổi về KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong xã.
Ông Lê Văn Ứng luôn đến tận nhà để trao đổi về KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong xã.


Năm 1994, khi Nhà nước có chủ trương thiết lập mạng lưới cán bộ dân số ở cơ sở, xã Sơn Thành được chọn là xã đầu tiên thực hiện mô hình này ở huyện Sơn Hà. Đúng lúc đó ông Lê Văn Ứng được Thường vụ Đảng ủy xã giao nhiệm vụ làm cán bộ chuyên trách dân số. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao, ông Ứng luôn bám sát địa bàn, học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền...

Ngày ngày, ông cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” giúp người dân hiểu hơn về chính sách dân số, các biện pháp tránh thai, vận động các cặp vợ chồng trẻ sinh đẻ có kế hoạch... Buổi đầu, công việc ấy gặp không ít khó khăn, vì người dân thì sống thưa thớt, phong tục tập quán lạc hậu, đường sá đi lại khó khăn.

Đã vậy công việc tuyên truyền, vận động chủ yếu vào ban đêm, nên hiệu quả công việc chưa cao, do số lần tiếp xúc quá ít. Ông chia sẻ: “Phụ nữ làm công tác dân số còn gặp trở ngại, huống hồ mình là đàn ông. Thế nên, mình phải cố gắng gấp đôi trong mọi công việc”.

Nhờ những cách làm linh hoạt như vậy mà công tác DS- KHHGĐ trên địa bàn xã hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Hiện số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã là 1,8 con. Đặc biệt, ngày càng nhiều các cặp vợ chồng trẻ tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai.

Năm nay, ông Ứng đã 65 tuổi và đã có 23 năm gắn bó với công tác dân số, thế nhưng, người cán bộ dân số này vẫn bền bỉ với công việc. Ông chia sẻ: “Người dân trong xã đã có ý thức trong việc KHHGĐ, tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp – đó là kết quả tốt, nhưng để duy trì kết quả đó cán bộ dân số phải cố gắng hơn nữa. Phần thưởng quý giá cho những nỗ lực “giữ lửa” cho công tác DS – KHHGĐ của một cán bộ chuyên trách như tôi là tỷ lệ sinh hằng năm liên tục giảm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm mạnh, quy mô dân số được duy trì ở mức ổn định, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ngày càng tốt hơn, chất lượng dân số được nâng cao”.

Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.