Nỗi niềm cộng tác viên dân số cơ sở

06:11, 12/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cộng tác viên (CTV) dân số ở cơ sở là những “cánh tay” nối dài của ngành dân số, góp phần giúp ổn định mức sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, mức đãi ngộ chưa được quan tâm thỏa đáng nên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đội ngũ này.

 “Cánh tay” nối dài của ngành dân số

Cùng với cán bộ chuyên trách, mạng lưới CTV dân số giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cơ sở. Đội ngũ này có mặt ở tất cả các thôn, xóm, giúp chính quyền các cấp có những số liệu cập nhật về DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, giúp các cặp vợ chồng có nhận thức và hành vi tích cực về DS-KHHGĐ. Họ là những người am hiểu tập tục, nét sinh hoạt trong cộng đồng dân cư nên việc tiếp cận tuyên truyền, vận động dễ dàng hơn.

 Cộng tác viên dân số xã Nghĩa Hiệp vận động giảm sinh tại hộ gia đình.
Cộng tác viên dân số xã Nghĩa Hiệp vận động giảm sinh tại hộ gia đình.


Anh Lê Vũ Lương- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Long chia sẻ: Có thể nói, CTV dân số cơ sở chính là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, họ làm việc mà không hề so đo tính toán. Vào mỗi đợt chiến dịch truyền thông dân số, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ , đội ngũ CTV này sâu sát địa bàn, không quản nắng mưa đến từng nhà để tuyên truyền, vận động các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ đến cơ sở y tế thăm khám.

Toàn tỉnh có tổng cộng 2.750 CTV dân số tại 1.105 thôn, tổ dân phố. Nhờ đội ngũ này mà nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Quy mô gia đình ít con ngày càng được người dân chấp nhận rộng rãi, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã đạt mức sinh thay thế, góp phần giảm bớt sức ép về gia tăng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.

Chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng

Thực tế hiện nay, đời sống của nhiều CTV dân số trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Ông Đặng Văn Ngữ- Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, mức phụ cấp hằng tháng cho cán bộ CTV dân số rất thấp, chỉ với 160 nghìn đồng (nguồn kinh phí này do Chương trình mục tiêu và ngân sách tỉnh hỗ trợ). “Đa số anh chị em làm bằng tấm lòng nhiệt tình là chính. Đáng lo ngại là, hiện có nhiều cán bộ xin nghỉ việc, một số khác thì chưa yên tâm công tác, nên chất lượng, hiệu quả làm việc cũng bị ảnh hưởng nhất định”, ông Ngữ nói.

Anh Đinh Xuân Rơn, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) chia sẻ: “Mình làm trưởng thôn, kiêm luôn vai trò CTV dân số, song mức phụ cấp quá ít, trong khi công việc lại nhiều, đi lại khó khăn”. Còn chị Nguyễn Thị Thiện, CTV dân số ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) có 21 năm làm công việc này, trải lòng: Để đạt chỉ tiêu, nhiều lúc chị em phải bỏ tiền túi để đi vận động, đưa chị em đi thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Thực tế, không phải CTV nào cũng đủ nhiệt huyết trụ vững với công việc như chị Thiện, anh Rơn... Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 208 CTV nghỉ việc, trong đó Đức Phổ (53);  Sơn Hà (39); Nghĩa Hành (24)... Cá biệt như xã Nghĩa An (TPQN), chỉ mới hơn 1 năm đã có 6 CTV nghỉ việc.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Phổ, lo lắng: “CTV dân số nghỉ nhiều do chế độ phụ cấp thấp. Nhiều anh chị có thâm niên, quen công việc xin nghỉ, tìm người thay mới thì cần thời gian quen việc nên ảnh hưởng đến chỉ tiêu dân số ở địa bàn”.

Thiết nghĩ, để đội ngũ CTV dân số hoạt động ngày càng hiệu quả thì rất cần có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn.

Bài, ảnh: KN
 


.