(Báo Quảng Ngãi)- Giá muối hạ thấp kéo dài, lượng muối tồn đọng lớn, tiền công làm muối không đủ trang trải chi phí... Đó là những lý do khiến nhiều người làm muối tìm cách chuyển nghề để mưu sinh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày công không đủ trang trải
“Những năm trước, vào mùa muối ra đồng đông vui lắm, còn bây giờ vắng hoe!”, bà Nguyễn Thị Cho ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) nói khi nhìn ra đồng muối mênh mông vắng bóng người. Bà Cho chỉ ra phía sau nhà là 3 vựa muối lớn, có tấm bạt che đã rách nhiều chỗ. Bà Cho bảo đó là số muối tồn lại từ những năm trước. Còn ụ muối để ngoài đồng, bà Cho vừa làm trong năm nay, nhưng giá thấp quá nên bà chất đống.
Bà Nguyễn Thị Cho bên số muối thu hoạch trong năm nay, phải chất đống vì giá muối hạ thấp. |
Ở xứ muối Sa Huỳnh nổi tiếng, thời gian qua, nhiều diêm dân phải tìm hướng chuyển nghề. Bởi theo như lời của bà Cho thì trung bình làm muối, hai người thu nhập khoảng 100.000 đồng, tính ra mỗi người chỉ 50.000 đồng/ngày. Với 50.000 đồng thì chỉ những người già như bà Cho chi tiêu ít mới đủ trang trải qua ngày. Số muối tồn đọng còn nhiều, trong khi làm muối “được mùa, mất giá”, chưa kể làm muối phải phụ thuộc vào thời tiết. Cho nên, tính ra với tiền công 50.000 đồng/ngày còn phải chia ra cho những ngày nghỉ làm muối do trời mưa.
“Giá muối rẻ quá, 50kg muối chỉ có 25.000 đồng, tính ra 500 đồng/kg, chưa kể tiền mướn xe chở, nên muối chỉ còn 400 đồng/kg thôi”, bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Long Thạnh 1 nói. Giá muối hạ thấp kéo dài những năm gần đây, thu nhập từ muối không đủ trang trải cuộc sống, nên gia đình bà Huyền đành bỏ 20 đám muối của gia đình để chuyển nghề khác.
Trong khi ông Lê Thường, chồng bà Huyền đi làm phụ hồ, bà Huyền ở nhà bán hủ tiếu. “Không riêng gì gia đình tôi, nhiều người cũng phải xoay sở tìm kiếm việc khác để làm. Như gia đình người anh, anh trai thì làm chẻ đá, chị dâu vốn làm nghề muối, giờ đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. Còn nhiều người trẻ hơn thì đi bán hủ tiếu ở các nơi, hoặc xin việc khác...”, bà Huyền cho hay.
Cần có cơ chế
Trong năm, mùa muối diễn ra vào khoảng 6 tháng đầu năm khi thời tiết nắng. Thế nhưng, dù đang vào mùa nắng, ông Mai Nghiệm ở thôn Xuân An, Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) vừa trở về từ Đắk Lắk vài ngày trước, sau hơn một năm hái cà phê thuê. Nhà đóng cửa, ruộng muối bỏ trống, là thực tế của nhiều hộ dân chuyên làm muối ở đồng muối Xuân An.
Gia đình ông Nghiệm làm ba sào muối. Tính từ đầu mùa cho đến lúc thu hoạch muối là khoảng 1 tháng, sau lần thu hoạch đầu tiên, cứ 2 - 3 ngày là thu hoạch muối. Ba sào muối thu hoạch mỗi lần khoảng 6 tạ có giá 300.000 đồng, tốn 6 công, tính ra cũng chỉ 50.000 đồng/người/ngày.
Trong khi đó, ông Nghiệm hái cà phê thuê được trả 150.000 đồng/ngày bao cả chuyện ăn, ở. Tính toán mãi, dù nghề muối là nghề truyền thống của gia đình, nhưng vợ chồng ông Nghiệm phải lên các tỉnh Tây Nguyên để làm thuê. “Về quê nghỉ ngơi vài hôm, chúng tôi lại tiếp tục lên Đắk Lắk”, ông Nghiệm nói.
"Từ 50 - 60 hộ làm nghề muối, năm nay chỉ còn 5 người. Tôi vì nhớ nghề nên mấy ngày trước cũng xuống dọn ruộng...", ông Nguyễn Dưỡng-Trưởng thôn Xuân An cho hay. Thế nhưng dù dọn ruộng, ông Dưỡng vẫn thấp thỏm trong lòng. Bởi không chỉ giá muối hạ thấp, mà còn vì nhiều năm qua, thông tin mẫu nước biển dẫn vào đồng muối Xuân An cho kết quả xét nghiệm bị ô nhiễm, người dân chưa được chính thức thông báo và cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý, hỗ trợ cho người dân. Lo lắng không chỉ vì số muối.
Ông Nguyễn Duy Trinh-Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho rằng, vì muối rớt giá, thu nhập quá thấp so với ngày công, nên từ đầu năm 2016 có khoảng 100 hộ đã bỏ trống 25ha ruộng làm muối. Về phía địa phương luôn xác định phải nỗ lực giữ nghề, vì đây là nghề truyền thống đã làm nên thương hiệu muối Sa Huỳnh.
"Vừa qua, chúng tôi đã lập danh sách các hộ diêm dân gửi lên cấp trên xin hỗ trợ lương thực, giúp họ ổn định đời sống, sản xuất. Về lâu dài, địa phương mong muốn cần có cơ chế giá cho muối để bình ổn giá muối trên thị trường, tránh “được mùa, mất giá”. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp mua muối tạm trữ giúp người dân. Đồng thời khởi động lại Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh để vừa tiêu thụ muối trong vùng vừa tạo việc làm cho người dân”, ông Trinh bày tỏ.
Bài, ảnh: BẢO HÒA