(Baoquangngai.vn)- Sinh ra vốn không lành lặn, mang trên mình di chứng của chất độc da cam/dioxin nhưng anh Lê Minh Phong (39 tuổi, thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) đã không cam chịu số phận, tự mình vươn lên làm chủ cuộc sống.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn ra khu nuôi tôm xã Đức Thắng để tìm gặp anh. Trong căn chòi rộng chừng 12m2, chỉ vừa đủ đặt một chiếc giường và mấy cái ghế nhỏ, anh niềm nở mời chúng tôi ngồi uống nước rồi bắt đầu kể về cuộc đời mình.
Bố anh - ông Lê Minh Thông và mẹ anh - bà Bùi Thị Vân đều tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1972 ở chiến trường miền Nam, rồi sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Hòa bình lập lại, ông Thông, bà Vân trở về và sinh đứa con đầu lòng. Những tưởng niềm vui trọn vẹn, nhưng khi ngày anh Phong ra đời, ông bà đau đớn khi đứa con mình mang di chứng chiến tranh, bị mất một tay và một chân.
Anh Phong chia sẻ: "Từ khi sinh ra đã không lành lặn, nhưng mình cũng cam chịu thôi. Không muốn là gánh nặng cho gia đình nên mình phải cố gắng làm mọi việc. Mới đầu khó lắm, làm gì cũng không được, nhưng làm riết thành quen".
Nén chặt nỗi đau, anh Phong lớn lên trong tình yêu thương của mọi người. Học hết cấp ba, Phong thi đỗ vào ngành sư phạm, nhưng mặc cảm về bệnh tật nên anh quyết định khăn gói vào TP.HCM làm ăn. Sau 5 năm lăn lộn một mình nơi đất khách quê người bằng nghề bán báo, vé số, anh Phong dành dụm được ít tiền rồi trở về quê.
Anh cùng bố lên Đăk Lăk làm đường, rồi mở trang trại nuôi tôm ở Đức Phong, nhưng liên tục thất bại. Đến năm 2006, anh Phong quyết định quay lại TP.HCM.
Năm 2009, anh về quê, vay mượn khắp nơi để mở lại trại nuôi tôm ở xã Đức Thắng. Với khoảng 2ha, một mình anh quần quật suốt ngày ở hồ tôm. Dù nắng cháy da hay mưa rát mặt, anh Phong cũng phơi mình giữa hồ, làm cho xong việc mới thôi.
Anh Lê Minh Phong vệ sinh hồ cho vụ nuôi ốc mới |
Khó khăn cứ đeo bám khi những vụ tôm của anh không đạt hiệu quả. Năm 2014, anh nghỉ nuôi tôm, chuyển sang nuôi ốc hương. Vụ đầu tiên, toàn bộ ốc của anh bị bệnh, buộc phải xả bỏ, thua lỗ gần 200 triệu đồng.
"Khó khăn lắm nhưng phải cố làm. Giữ cái nghề mà kiếm sống qua ngày, giờ nghỉ tui cũng không biết làm gì", anh Phong vừa nhìn ra hồ vừa trầm ngâm.
Nói về công việc của mình, anh cho biết, hàng ngày phải thức dậy từ 5 giờ để kiểm tra, vệ sinh hồ, xem ốc có dồn lại thì tản chúng ra. Sau đó, cho ốc ăn. Đến khoảng 5 giờ chiều thì lặp lại. Sau khi cho ăn khoảng 3 tiếng thì xả nước hồ rồi cho nước mới vào. Đến khuya phải ra đóng nước hồ lại.
Nhìn người đàn ông chỉ có một tay và một chân bên phải, chúng tôi không nghĩ rằng anh lại có thể làm được những công việc nặng nhọc như thế. Anh thoăn thoắt bước xuống hồ, đeo mắt kính, cầm vợt rồi lội khắp hồ để làm vệ sinh. Bóng người đàn ông trung niên cứ đổ dài trên cát, kéo theo bao vất vả, khó nhọc mà không chút thở than. Chẳng những vậy, mọi sinh hoạt cá nhân cho đến nấu ăn, giặt giũ đều tự anh làm lấy.
"Mọi việc đều tự nó làm hết. Cái gì khó lắm mới nhờ người khác thôi. Nó còn tự lái xe máy đi từ nhà ra hồ nữa. Nhiều lần bị té ngã rồi nhưng may là chỉ trầy xước ngoài da", mẹ anh Phong cho biết thêm.
Rồi hạnh phúc cũng đến khi 5 năm trước, chị Đỗ Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1982) thuận lòng vun vén tương lai, xây đắp cuộc sống gia đình cùng anh. Đến nay, anh chị đã có một bé trai (4 tuổi) và một bé gái (3 tuổi).
Khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn lên khi nói về gia đình nhỏ: "Các con của mình đều ra đời lành lặn và lớn lên khỏe mạnh".
"Tuy nghèo, bệnh tật nhưng thấy vợ chồng nó thương yêu nhau, lo làm ăn nuôi con thì tui cũng mừng. Giờ tui với ba nó ở nhà phụ vợ nó giữ mấy đứa nhỏ, để nó yên tâm làm việc", bà Vân chia sẻ.
Ông Phan Văn Xuyến (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Mộ Đức) cho biết: Anh Phong là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Hiện nay, Phong là một thành viên rất tích cực của Hội, có trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Mộ Đức cũng luôn tạo điều kiện cho Phong cũng như các nạn nhân khác của địa phương thông qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Bài, ảnh: Lê Phúc