(Báo Quảng Ngãi)- Đó là điều đã và đang xảy ra trên địa bàn huyện vùng cao Trà Bồng từ nhiều năm qua. Chính bản thân Chủ tịch UBND huyện này thừa nhận với lãnh đạo tỉnh: “Lâu nay kiểm tra địa chất xây các khu tái định cư (TĐC) đều… bằng mắt thường chứ không khảo sát, khoan đánh giá địa chất”.
Là huyện miền núi, tình trạng nứt núi, sạt lở đe dọa đến tính mạng hàng trăm người dân nên việc xây dựng các khu TĐC tập trung là điều cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là huyện Trà Bồng đã “quên” thực hiện các thủ tục cần thiết trong xây dựng dẫn đến nguy cơ các khu TĐC sẽ vắng bóng người dân đến ở dù phải bỏ ra cả chục tỷ đồng để xây dựng…
Chưa nghiệm thu nhưng đã xây nhà cho dân ở
Trong mùa mưa năm 2014, theo kế hoạch huyện Trà Bồng phải hoàn thành việc xây dựng cũng như di dời 56 hộ dân với 310 nhân khẩu ở thôn Cả, xã Trà Hiệp, nằm trong vùng nguy cơ nứt núi về khu TĐC Nà Tpok-Khét xây dựng nhà ở đảm bảo cuộc sống an toàn. Tuy nhiên, đến nay đã sắp bước vào mùa mưa thứ 2 nhưng việc xây dựng khu TĐC gặp nhiều vấn đề và chưa thể hoàn thành dù đã trải qua hai lần gia hạn hợp đồng thi công.
Dù chưa hoàn thành nghiệm thu bàn giao nhưng khu TĐC Nà Tpot-Khét đã được xã Trà Hiệp xây dựng nhà cho dân ở. |
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 7,8 tỷ đồng, do Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay đã qua hơn một năm nhưng hình dáng khu TĐC vẫn rất ngổn ngang. Vào mùa mưa năm 2014, dự án này phải tạm ngừng thi công theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện vì tình trạng xói lở mặt bằng và mái taluy, sụt lún nặng. Mãi đến 3.2015, dự án mới được tái khởi động trở lại.
Một điều bất ngờ ở khu TĐC này là dù chưa hoàn thành mặt bằng, chưa được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, bàn giao nhưng đã có nhiều căn nhà được xây dựng lên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những căn nhà này do lãnh đạo xã Trà Hiệp “chủ động” làm trước. Ông Hà Văn Đồng - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Trà Bồng cho biết, việc xây nhà cho dân khi dự án chưa hoàn thành là do yêu cầu của xã Trà Hiệp, nên chúng tôi bàn giao một phần mặt bằng trước để xã “tranh thủ” nguồn vốn hỗ trợ người nghèo từ UBMTTQ Việt Nam huyện.
Nhiều khu TĐC vắng bóng người Cũng cùng chung mục tiêu là đưa người dân nằm trong vùng sạt lở về nơi ở mới an toàn. Trong những năm qua trên địa bàn huyện Trà Bồng xây dựng hai khu TĐC là Nước Cây Trường (xã Trà Sơn) và La Nong (xã Trà Giang). Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, đến nay cả hai khu TĐC này cũng chỉ lác đác vài người dân đến ở. Đây là thực tế đã và đang xảy ra gây lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước. |
Chưa khảo sát kỹ địa chất
Không chỉ bất cập ở Nà Tpok-Khét mà ở khu TĐC tập trung Thôn Băng (xã Trà Hiệp) cũng rơi vào tình cảnh trái khoáy. Với nguồn vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, để bố trí TĐC cho 23 hộ dân với 115 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi về nơi ở mới an toàn, từ giữa năm 2014 huyện Trà Bồng đã lên kế hoạch xây dựng công trình. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3.2015 dự án mới được triển khai.
Dù kế hoạch là đến đầu mùa mưa năm 2015 dự án phải hoàn thành để hơn 100 con người được di dời về nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, dù chỉ còn khoảng hơn 4 tháng nữa là đến mùa mưa nhưng khối lượng công trình thực hiện được lại chỉ ở mức khiêm tốn. Báo cáo lãnh đạo tỉnh, huyện Trà Bồng cho biết chất lượng nền móng, địa chất là ổn định, đảm bảo an toàn cho người dân khi vào xây dựng nhà ở.
Thế nhưng, tại buổi thị sát kiểm tra thực tế hiện trường việc xây dựng khu TĐC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã “bắt bài” khi phát hiện trong báo cáo của huyện Trà Bồng không nhắc đến cốt nền khu TĐC có lớp đất cao lanh. Đây là lớp đất yếu và nguy cơ sụt lún cao. “Trong báo cáo các anh nêu mọi thứ đều tốt, nhưng thực tế là chưa thật sự an toàn khi người dân vào xây dựng nhà khi dự án hoàn thành. Trong đó, không báo cáo rõ kết quả khảo sát khoan địa chất thì làm sao khẳng định đảm bảo được. Cái này cần phải xem lại chứ không thể nói bằng miệng được” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nói.
ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, lý giải: “Hồi giờ trên địa bàn huyện xây dựng khu TĐC về khảo sát và khoan, đo địa chất chủ yếu… bằng mắt thường. Bây giờ tỉnh yêu cầu thì huyện sẽ tiến hành lấy mẫu đất kiểm tra chất lượng, khảo sát địa chất. Nếu không đảm bảo về địa chất thì phải dừng dự án. Huyện nhận khuyết điểm và chịu trách nhiệm về tiến độ dự án”.
Theo ông Trần Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thì, đây là cách làm ngược trong quy trình xây dựng một dự án. “Khảo sát địa chất là tiền đề để anh xây dựng một công trình. Không có chuyện anh thi công dự án, đào lấp xong hết rồi thì hốt lớp đất đi khảo sát địa chất, làm như vậy làm sao xác định được lực trượt của đất là bao nhiều để cắt taluy, làm sao tính được cường độ chịu lực… Cái này tôi đề nghị cần phải xem xét lại nếu không hệ lụy sẽ rất khó lường một khi người dân vào ở” – ông Hòa yêu cầu.
Bên cạnh bất cập về cốt nền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng cho rằng, việc huyện Trà Bồng chọn hướng làm khu TĐC cũng có vấn đề, vì khu đất nằm trên một ngọn đồi, hướng chính phía Bắc, nhà người dân chỉ xây dựng đơn giản nên vào mùa mưa sẽ không ổn khi có mưa, gió lớn sẽ rất bất lợi. Do đó, khi người dân vào ở phải có biện pháp che chắn như trồng cây. “Đối với địa chất phải tính toán kỹ, còn không thì chất lượng dự án sẽ không đảm bảo. Bằng mọi cách phải đưa người dân đến nơi ở an toàn trước mùa mưa 2015” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chỉ đạo.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC