Bài toán việc làm cho người dân tái định cư

10:04, 05/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một chỗ ở ổn định, không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về là mơ ước của nhiều người dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Tuy nhiên,  dù đã có chỗ ở an toàn tại các khu tái định cư (TĐC) nhưng nhiều gia đình vẫn không thể an cư, vì bài toán việc làm đang là vấn đề nan giải.


Khu TĐC An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay chỉ có khoảng 10 hộ xây dựng nhà kiên cố và chỉ có 4  hộ ở thường xuyên. 30 hộ còn lại dù mỗi hộ đã nhận tiền hỗ trợ 10 triệu đồng, song chỉ xây nền móng nhà rồi bỏ vào Nam làm ăn.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, một hộ dân ở khu TĐC An Chỉ Tây chia sẻ: “Tôi lên đây từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn không có đất để sản xuất. Không biết làm gì để sống nên tôi thuê hơn một sào ruộng cách nhà tới ba cây số. Còn chồng tôi thì hằng ngày phải đi chẻ đá thuê kiếm sống. Vất vả lắm mà cuộc sống vẫn vô cùng khó khăn. Giờ chỉ mong sao cấp trên quan tâm cấp đất và đào tạo nghề để những phụ nữ như chúng tôi vừa ở nhà chăm sóc con cái, vừa có thể làm nghề kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”.

Vì không có đất sản xuất nên đa số người dân khu TĐC An Chỉ Tây chỉ làm móng, xây nhà rồi đi làm ăn xa.
Vì không có đất sản xuất nên đa số người dân khu TĐC An Chỉ Tây chỉ làm móng, xây nhà rồi đi làm ăn xa.


Cùng chung cảnh ngộ với chị Ngọc, chị Phạm Thị Thủy tâm sự: “Làm nông mà không có đất thì không biết lấy gì để sống. Trong khi đó, ở đây muốn trồng vài luống rau để cải thiện cuộc sống cũng khó, vì đất này toàn đá. Còn chăn nuôi thì càng khó hơn. Thả nuôi được con gà thì bị kẻ trộm bắt mất. Giờ chúng tôi không biết làm gì để sống nữa. Muốn đi Nam để làm ăn, nhưng con cái không biết gửi cho ai. Ở chỗ ở cũ còn có thể gửi con cho ông bà nội, ngoại lại gần trường học. Còn lên đây chỉ có vài ba hộ ở thường xuyên, đường sá đi lại thì vất vả vô cùng”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Công Thành – Chủ tịch UBND xã Hành Phước cho biết: “Đa số người dân ở vùng TĐC An Chỉ Tây đều là những hộ gia đình trẻ, nhu cầu việc làm rất cao nhưng lại không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định. Vì vậy, đa phần họ đều đi Nam để mưu sinh. Vừa rồi, tỉnh cũng đã về thanh tra và thông báo sẽ thu hồi đất và tiền đã hỗ trợ đối với những hộ không làm nhà. Nghe thấy thế, một số hộ đã về làm móng, xây nhà nhưng sau đó họ lại đóng cửa và tiếp tục đi làm ăn ở những nơi khác”.

Theo ông Thành, để thu hút người dân sống ổn định tại các khu TĐC thì trước hết phải cấp đất sản xuất cho họ; đồng thời đào tạo một nghề nào đó ổn định hơn. Tuy nhiên, mật độ dân cư trên địa bàn xã Hành Phước đông nên việc bố trí đất sản xuất cho những hộ ở khu TĐC An Chỉ Tây là rất khó. Ngoài ra, thời gian qua, xã cũng đã thử tìm một nghề nào đó phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để đào tạo cho người dân. Song đầu ra cho sản phẩm như thế nào là cả một vấn đề. Tương tự, nghề chăn nuôi đối với bà con cũng khó thực thi khi ở vùng TĐC mỗi gia đình chỉ được cấp 300m2 đất. Một nửa họ làm nhà. Số diện tích còn lại họ chẳng thể quy hoạch thành nơi chăn nuôi tập trung. Đó là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn thức ăn cho heo, trâu, bò…

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có 7 điểm, cụm TĐC cho người dân ở những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai. Tuy nhiên, hầu hết các điểm, cụm TĐC đều có rất ít người ở. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều khu TĐC trong tỉnh. Vì vậy, để đời sống của người dân vùng TĐC được ổn định hơn, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí đất sản xuất và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân.
        

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.