Bờ biển xã Nghĩa An bị sạt lở nặng

02:09, 25/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn đã khiến cho một đoạn dài bờ biển chạy dọc xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị sạt lở nặng khiến cho người dân sống trong khu vực lo sợ.

TIN LIÊN QUAN

Biển cuốn nhiều hồ tôm

Theo một số người dân địa phương cho biết, tình trạng sạt lở diễn ra từ hơn một tuần qua với tốc độ ngày càng lớn. Trong đó, nặng nhất là trong hai đêm 21 và 22.9, biển đã khoét sâu vào trong đất liền hàng chục mét. Tại khu vực cột mốc địa giới hành chính giữa ba xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) và xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) giới phân cách 650m, nhưng nay chân sóng biển cửa Đại chỉ còn cách trụ mốc chừng hơn 80m. Khu cồn đất trước kia là “đê chắn sóng” của xã Nghĩa An nay bị sóng cuốn phăng ra biển và nhiều hồ nuôi tôm của người dân cạnh biển bị sạt lở nặng.

 

Người dân thu dọn hồ tôm do sạt lở.
Người dân thu dọn hồ tôm do sạt lở.


Anh Phạm Văn Quất ở thôn Hòa Bình (Nghĩa Hòa), một trong những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đang thu dọn bạt lót đáy hồ và tài sản còn lại thở dài: Cách đây hơn một tuần biển còn cách hồ tôm hơn 30m, sau đêm 21.9, biển đã lấn đến chân hồ. Và đến tối 22.9, biển đã “leo” vào bên trong hồ tôm. “Thấy sóng lớn quá, mà sạt lở thì ngày càng nghiêm trọng, tôi vội thuê người thu dọn và bắt tôm bán tháo bán đổ vớt vát được ít nhiều chứ không thì mất sạch rồi” – anh Quất nói.

Không chỉ hồ tôm nhà anh Quất mà nhiều hồ tôm khác với diện tích mỗi hồ từ 1.000m2 đến 2.500m2 cũng bị sóng biển “nuốt”. Nhiều hồ nuôi tôm khác trong khu vực cũng đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển cuốn phăng. Nhiều chủ hồ nuôi tôm lo sợ biển xâm thực gây sạt lở trôi tôm ra biển, nên tính đến phương án khai thác tôm sớm chạy sạt lở. Ông Huỳnh Công Trung - trưởng thôn Phổ Trường cho biết, không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước tình trạng sạt lở bờ biển cũng từng xảy ra. Riêng năm 2012 có 12 hồ nuôi tôm bị sóng biển “nuốt”.
 

Ngày 24.9, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa cho biết: “Phản ánh và nguyện vọng của người dân hai xã Nghĩa An, Nghĩa Phú là hoàn toàn chính đáng. Do đó, huyện thống nhất kiến nghị UBND tỉnh cho  tạm dừng việc nạo vét, thông luồng và tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu để hạn chế tình trạng sạt lở. Trước mắt, phải có biện pháp khắc phục sạt lở bằng việc dùng rọ đá và bao cát kè tạm thời để bảo vệ. Về lâu dài, tỉnh sớm triển khai việc xây dựng kè bê tông. Đến sáng 24.9, UBND tỉnh đã chỉ đạo hai doanh nghiệp thi công việc nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu là Công ty TNHH Sản xuất thương mại – Dịch vụ Ngọc Việt và Công ty Cổ phần Trường Phát Lộc tạm dừng hoạt động”.

Người dân lo lắng

 Trước tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nặng nề và có nguy cơ lấn sâu vào đất liền, nhiều hộ dân tỏ ra khá lo lắng. Ông Nguyễn Hợi, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An cho biết, trước kia khu vực cửa Đại chỉ là một cửa biển nhỏ với bề ngang chừng hơn 400m và có độ sâu vừa đủ tàu thuyền qua lại. Tuy nhiên, những ngày qua khi thời tiết thay đổi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khiến sóng biển đánh mạnh vào bờ làm cho nhiều diện tích đất bị cuốn ra biển làm cho cửa biển rộng hơn.

 “Hai đêm qua sóng dữ lắm, ngồi trong nhà nghe sóng bổ vào bờ ầm ầm mà kinh lắm. Nhưng không ai nghĩ tốc độ sạt lở lại nhanh như thế này, nếu không có biện pháp can thiệp thì sợ qua mùa mưa này một phần thôn Phổ Trường sẽ thành biển mất” – ông Hợi lo lắng. Cũng theo ông Hợi, với đà sạt lở hiện nay, nhiều hộ dân sống gần chân sóng đang tính đến việc di dời nhà cửa vì sợ sạt lở có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản.

Bên cạnh việc sạt lở, thì việc sóng lớn đánh vào bờ khiến cho nhiều khu vực trước kia nông cạn nhưng giờ trở thành vùng biển sâu và dòng nước chảy xoáy trở thành cái “bẫy” đối với tàu cá địa phương. Rạng sáng 23.9, một ghe đò chở người qua xã Tịnh Khê bị sóng biển đánh chìm. Rất may những người trên ghe đã kịp nhảy ra bên ngoài và được người dân gần đó cứu sống.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.