Quyết “bám trụ” vùng sạt lở

08:09, 24/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi người dân ở nhiều vùng có nguy cơ sạt lở khác đang phải sống trong thấp thỏm khi mùa mưa bão đang gần kề, thì 46 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở của xã Bình Đông (Bình Sơn) vẫn cố “bám trụ” tại nơi ở cũ. Khu dân cư phục vụ di dời các hộ dân bị sạt lở với tổng diện tích hơn 1,6 ha đã hoàn thiện từ năm ngoái, nhưng vẫn chưa có lấy một nóc nhà…

Sống trong thấp thỏm

Mặc dù chưa đến mùa mưa bão, nhưng tuyến đường bê tông liên thôn Sơn Trà đã bắt đầu bị sạt lở và sụt lún sau đợt mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Để “cứu” lấy con đường, người dân xóm Vức 1, Vức 2 đã chuẩn bị 300 bao tải cát để gia cố lại con đường. Con đường bê tông khang trang hôm nào, giờ chằng chịt những đoạn chắp vá bằng bao tải cát. Không riêng gì 50m đường bị sạt lở, mà đợt mưa vừa qua còn khiến nhiều hàng rào, cổng ngõ, cống thoát nước của các nhà trong thôn bị xói lở nghiêm trọng. Trường mẫu giáo Sơn Trà nằm ngay cạnh tuyến mương thoát nước cũng bị nước dữ làm hư hỏng hệ thống tường rào. “Mưa vài ngày mà nước đã ngập đến nửa nhà tôi, thì chẳng biết mùa mưa bão đến nước lũ sẽ còn ngập sâu đến cỡ nào nữa…”- anh Cao Tấn Long, người dân thôn Sơn Trà lo âu.

 

Người dân tự gia cố lại con đường bê tông xóm Vức 1(thôn Sơn Trà, xã Bình Đông) bằng bao tải cát.
Người dân tự gia cố lại con đường bê tông xóm Vức 1(thôn Sơn Trà, xã Bình Đông) bằng bao tải cát.



Trong mùa mưa bão năm 2010, toàn thôn Sơn Trà có 12 ngôi nhà bị sụp đổ và hư hỏng nặng do lũ. Biết trước sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi mùa mưa bão về, nhưng các hộ dân thuộc diện di dời đến nơi ở mới lại chẳng chịu đi. Ai cũng lo âu, ai cũng thấp thỏm, nhưng mọi người lại lựa chọn phương án “sống chung với lũ” vì không đủ kinh phí để di dời. Đã chèn bao tải cát và xếp đá xung quanh nhà nhưng ông Phạm Xuân Diệu (xóm Vức 2) vẫn chưa an tâm, bởi theo ông, khi mùa mưa bão đến, con nước sẽ luồn từ móng nhà luồn lên, lúc đó có cố cứu nhà cũng chẳng được. Vì vậy vợ chồng ông tập trung gom đầy đủ lương thực gửi sẵn nhà họ hàng để chuyển sang ở nhờ khi có mưa lớn.

Nhưng không di dời

Bà Đặng Thị Hà- người dân thuộc diện di dời sang khu tái định cư cho biết: “Dù rất muốn chuyển sang nơi ở mới, nhưng tôi đi làm công nhân nhà máy gỗ với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng, nhưng phải chăm lo cho 5 đứa con ăn học. Nếu chuyển qua thì làm sao có đủ tiền để xây nhà mới”.

Được hỗ trợ về đất ở nhưng thiếu kinh phí xây nhà là khó khăn chung của các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở ở Bình Đông. Vậy nên  dù KDC Sơn Trà (thôn Tân Hy, Bình Đông) được đầu tư với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng và trang bị đầy đủ điện, nước sinh hoạt và hệ thống cấp thoát nước. Nhưng từ năm 2012 đến nay, dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng KDC này vẫn chỉ là một khu đất trống, chưa có lấy một nóc nhà. Ông Phạm Tấn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho hay: “Để hỗ trợ cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã cấp cho mỗi hộ 125m2 đất ở KDC Sơn Trà và 10 triệu đồng làm kinh phí tháo dỡ. Nhưng người dân chỉ đến nhận đất chứ chưa chịu vào KDC vì nhiều người không đủ kinh phí để xây dựng nhà nếu dời qua nơi ở mới”.

Hiện tại, toàn xã Bình Đông có gần 140 hộ dân thuộc khu vực có nguy cơ bị sạt lở, trong đó hơn 40 hộ dân thuộc địa phận thôn Sơn Trà và vùng ven sông Trà Bồng thuộc thôn Tân Hy… nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở nặng nhất. Tuy nhiên, trước tình trạng người dân quyết tâm “bám trụ” ở vùng sạt lở vì không đủ điều kiện để đến nơi ở mới, chính quyền địa phương đành lập phương án khác để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mùa mưa bão. Tạm thời, UBND xã Bình Đông đã chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện và chủ động liên hệ trước với các doanh nghiệp trên địa bàn xã để khi có mưa lớn xảy ra, chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng đưa người dân đến trú tạm tại trụ sở các doanh nghiệp.


Bài, ảnh: Ý THU
 


.