Sạt lở, nứt núi mùa mưa bão: Đến hẹn lại... run!

01:08, 21/08/2012
.

(QNg)- Nỗi lo lớn nhất trong mùa mưa bão năm nay của các hộ dân vùng có nguy cơ nứt núi, sạt lở ven sông, suối, ven biển là mất nhà, mất tính mạng. Đi đâu để trốn bão, thoát lũ, tránh sạt lở đang là bài toán mà cả chính quyền, người dân loay hoay tìm lời giải…

TIN LIÊN QUAN


Tái định cư cấp thiết "trên giấy"!

Mùa mưa bão năm 2012 đã đến gần. Công tác phòng, chống lụt bão đã được triển khai từ nhiều tháng trước. Ngoài các phương án ứng cứu, gia cố đê kè, nhà cửa thì công tác di dân vùng có nguy cơ sạt lở, nứt núi cũng được đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã rà soát và quyết định đầu tư 9 điểm tái định cư tập trung cho người dân vùng sạt lở, nứt núi. Thế nhưng do thiếu vốn, tỉnh mới chỉ đầu tư thực hiện 4 điểm, đó là điểm tái định cư thôn Trà Ong (xã Trà Quân), Trà Ích (xã Trà Lãnh) của huyện Tây Trà; điểm tái định cư thôn Làng Mâm (xã Ba Bích, huyện Ba Tơ); điểm tái định cư thôn Gò Nổi (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng). Kinh phí thực hiện gần 30,6 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh tạm ứng ngân sách hơn 21,4 tỉ đồng; còn lại kinh phí các huyện có dự án bố trí đầu tư.

Sạt lở bờ sông Cây Bứa (Nghĩa Phương, Tư Nghĩa) “lôi” nhà của ông Bình xuống nước.
Sạt lở bờ sông Cây Bứa (Nghĩa Phương, Tư Nghĩa) “lôi” nhà của ông Bình xuống nước.


5 điểm tái định cư mang tính cấp thiết khác nhưng hiện vẫn "nằm trên giấy" bao gồm: Điểm tái định cư Giếng Tiền (An Vĩnh, Lý Sơn, 105 hộ); điểm tái định cư thôn Gò Nách (Hành Thuận, Nghĩa Hành); khu tái định cư Nhơn Lộc 1 (Hành Tín Đông, Nghĩa Hành); điểm tái định cư Gò Bà Tòng (Tịnh Đông, Sơn Tịnh); điểm tái định cư Thôn Gỗ (Trà Thanh, Tây Trà). Tổng số vốn để thực hiện 5 điểm tái định cư này hơn 17 tỉ đồng, với số hộ dân phải di dời là 287 hộ.  
Điệp khúc ì ạch!

Theo kế hoạch đề ra, chậm nhất là đến cuối quý III năm nay, 4 điểm tái định cư đã được đầu tư vốn nói trên phải hoàn thành, để di dời 154 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở núi vào ở. Thế nhưng kể từ khi được duyệt đầu tư từ giữa tháng 6/2012 đến nay, 4 điểm tái định cư này chưa chuyển biến, tiến độ thi công vẫn… chưa có gì. Hiện tại, nhiều hộ dân nằm trong diện phải di dời vì nứt núi đang sống trong sự lo âu, chờ đợi. Ông Hồ Văn Sinh, thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh nói: "Chiều trời mưa thì tối cả nhà mình ngủ không được. Cái núi sau nhà vết nứt mỗi ngày mỗi lớn. Mình nghe nói Nhà nước đang làm chỗ ở mới cho dân, nhưng chẳng biết bao giờ thì xong. Mưa gió thất thường, di dời nhà đi khỏi nơi này sớm ngày nào tốt ngày ấy".

Trước tình hình này, Ông Lê Viết Chữ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp cần tập trung công tác tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó với lụt bão. Đối với miền núi, phải chủ động di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở núi, ven sông, suối đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ. Lãnh đạo huyện Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ có dự án tái định cư tập trung cho người dân vùng sạt lở cần chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch.

Báo động "đỏ"!

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có 4.860 hộ dân với khoảng 21.870 nhân khẩu đang ở trong vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó có 2.050 hộ sống ở vùng sạt lở ven sông, ven suối; 520 hộ sống ở vùng sạt lở ven biển; 1.100 hộ sống ở vùng sạt lở núi, nứt núi; 150 hộ sống ở vùng lũ ống, lũ quét và 1.040 hộ sống ở vùng có nguy cơ ngập sâu, vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Do nguồn lực có hạn nên UBND tỉnh vừa có tờ trình gửi các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn cho tỉnh để có điều kiện tổ chức di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai đến nơi ở mới.

Đối với các huyện, thành phố khác, mặc dù không "bị xếp" vào danh sách phải xây dựng điểm tái định cư tập trung, nhưng thực trạng sông, biển "ngoạm" vào nhà dân; nứt núi đe dọa vùi lấp tài sản, tính mạng người dân cũng không phải là nhỏ. "Ưu tiên" đứng đầu trong danh sách bất an này là: 26 hộ dân ở cù lao xóm Lân, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh); 7 hộ dân sống dọc sông Cây Bứa (Nghĩa Phương, Tư Nghĩa); 7 hộ dân ở đảo Bé - xã An Bình (Lý Sơn); 219 hộ dân các xã huyện Bình Sơn sống dọc theo bờ sông Trà Bồng… Ở những nơi này, "bà thủy" đã "ngoạm" vào sâu, tiến sát đến trước hiên nhà, thậm chí đã có nhiều nhà dân bị thủy triều "lôi" xuống sông. Đó là nhà của hộ ông Nguyễn Văn Bình, ở dọc sông Cây Bứa, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa. Mặc dù bị sập nhà, nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn, ông Bình vẫn phải tận dụng ít đất còn lại cất chòi tạm để ở trong nhiều tháng qua.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay diễn biến mưa bão có nhiều bất thường. Vì thế, chính quyền và người dân phải dồn mọi nỗ lực phòng, chống bão lũ ngay từ bây giờ, nhằm bảo toàn tính mạng, tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão.       

      
 THANH NHỊ
 


.