Nơm nớp nỗi lo núi lở

02:07, 31/07/2012
.

(QNg)- Mùa mưa bão đang đến rất gần. Hàng trăm người dân hai thôn Trà Ong, xã Trà Quân và thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh (Tây Trà) đang nơm nớp lo sợ núi lở đe dọa đến tính mạng hàng trăm con người ở đây.
 

TIN LIÊN QUAN


* Hiểm họa rình rập

Con đường ngoằn ngèo hơn 10km từ trung tâm huyện Tây Trà về thôn Trà Ong như một mê cung uốn lượn gồ ghề đá khiến những "tay lái lụa" cũng vã mồ hôi. Mất gần 2 giờ chúng tôi mới đến được trung tâm xã. Gặp chúng tôi, ông Hồ Văn Lý, nói đầy bức xúc: "Điểm nứt núi nằm ngay trên đỉnh đồi, nó cứ toạc rộng dần ra, suốt hơn hai năm qua mà chẳng thấy ai đá động gì đến chuyện di dời dân đến nơi an toàn cả. Không biết đến bao giờ mới hết nỗi lo núi sập trong đêm nữa. Hay là để đến khi dân bị đất đá vùi rồi mới di dời?".

Khu dân cư thôn Trà Ong nằm sâu dưới thung lũng và vây quanh là những vết nứt có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.         Ảnh: XT
Khu dân cư thôn Trà Ong nằm sâu dưới thung lũng và vây quanh là những vết nứt có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Ảnh: XT


Theo chân ông Lý, chúng tôi đến điểm nứt núi. Một điểm nứt chạy dài khoảng 1.500m vắt ngang sườn núi và cách khu dân cư chừng 300m phía dưới là hàng chục nóc nhà. Thấy chúng tôi thở hổn hển vì phải leo lên dốc núi dựng đứng, ông Lý bảo, mới đi có thế mà mệt rồi thì làm sao… chạy trốn sạt lở được. "Dân vùng này mỗi khi có mưa lớn là luôn trong tư thế sẵn sàng… chạy. Có lần cả làng chạy tán loạn khi nghe những tiếng đứt gãy reng rắc đến nổi da ốc" - ông Lý kể.

Không chỉ điểm nứt núi trên mà nhích gần về phía khu dân cư chừng 100m lại xuất hiện thêm một điểm nứt núi mới và có nguy cơ sạt lở nặng hơn. Vết nứt này dài hơn 200m, rộng 0,5m, sâu trung bình 1,5m. "Đó là của năm 2009, năm 2010 núi tiếp tục nứt nữa và ngày càng sâu hơn. 35 hộ dân, trong đó có 16 hộ nằm ngay "miệng" sạt lở chẳng biết đất "ngoạm" lúc nào.

Không chỉ người dân Trà Quân mà 34 hộ dân thôn Trà Ích (Trà Lãnh) cũng cùng chung số phận. Cuộc sống của những người dân đồng bào Cor nơi đây đang… co cụm dưới chân núi và trên khuôn mặt họ đầy vẻ âu lo khi mùa mưa bão sắp đến.

Điểm sạt lở này hình thành từ năm 2009, mãi đến cuối năm mới có đoàn kiểm tra sau khi nhận được báo cáo từ người dân nằm trong vùng nguy hiểm. Điểm sạt lún chừng 300m2, sâu 1,5m đồng thời xuất hiện điểm nứt nằm cách khu dân cư chừng 500m. Chiều dài nứt núi 50m, rộng 0,3m, sâu 0,5m.

* Chỉ "đối phó" tạm thời

Trước thực trạng mùa mưa bão đang đến gần, những địa điểm có nguy cơ sạt lở  đã được các ngành chức năng báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 mùa mưa bão đi qua và người dân nơi đây vẫn thường trực nỗi lo núi lở.


Theo người dân hai địa phường nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi cao thì họ đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền. Nhất là trong các lần tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị đó vẫn đang được các cấp thẩm quyền… xem xét, còn người dân thì nơp nớp lo cho mạng sống của mìnhvvà tài sản sẽ bị núi vùi không biết khi nào. Và nếu khi núi lở rồi các cấp chính quyền mới đến xem xét cứu hộ thì chuyện đã rồi!

Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Trà Quân cho biết, hiện 35 hộ dân với hơn 200 khẩu đang rất lo sợ mỗi khi trời đổ mưa. "Nhiều người dân mỗi khi mưa đến là di trú sang nhà hàng xóm cách đó vài trăm mét cho an toàn. Nhiều hộ không có điều kiện thì chạy sang trụ sở UBND xã tá túc đến khi hết mưa thì về. Mưa rừng mà, kéo dài vài ngày trời, còn đất không có độ kết dính cao nên nguy cơ sạt lở núi là rất lớn. Chỉ mong các cấp thẩm quyền nhanh chóng di dời người dân đến nơi ở mới cho an toàn để ổn định cuộc sống, an tâm làm ăn xây dựng nông thôn mới" - ông Lâm nói.

Theo ông Lâm thì hiện nay, xã đã có tờ trình đề nghị lên UBND huyện Tây Trà cần di dời khẩn cấp 35 hộ dân đến nơi ở mới cách điểm ở cũ 1.500m với diện tích mặt bằng đã được quy hoạch chừng 2,5ha.

Ông Phan Văn Hiền - Trưởng phòng NN&PTNT, kiêm trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Tây Trà cho biết, hiện đề xuất di dời người dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi cao đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 13,6 tỉ đồng. Theo đó, điểm di dời thôn Trà Ong là 6,7 tỉ và thôn Trà Ích 6,9 tỉ. "Hiện kế hoạch phê duyệt đã có. Tuy nhiên thời gian còn lại để di dời dân và xây dựng khu tái định cư là không đủ khi mùa mưa chỉ còn hai tháng. Trước mắt thực hiện phương án dự phòng trong phòng chống lụt bão là huy động lực lượng dân quân tự vệ, đàn ông có sức vóc trong các điểm có nguy cơ sạt lở túc trực mỗi khi có mưa lớn.

 

Ngoài ra huyện sẽ hộ trợ bạt ni lông, mì tôm, nước uống cho người dân di dời lánh tạm trong mùa mưa năm nay. Nhưng đây chỉ là biện pháp đối phó tạm thời, còn lâu dài thì nhất định phải di dời dân và xây dựng khu tái định cư đàng hoàng. Chúng tôi hi vọng đầu năm 2013 sẽ tổ chức di dời dân đến nơi ở mới an toàn - ông Hiền cho biết thêm.


LÊ ĐỨC - XUÂN THIÊN
 


.