Trở lại vùng đất lửa Đức Phong

09:05, 03/05/2013
.

(QNg)- Tháng Tư về xã Đức Phong (Mộ Đức) nhìn cánh đồng làng lúa chín vàng tươi, màu xanh của mì, mía, của rừng dương và biển cả mênh mông, tôi thấy lòng lắng lại. Để có những mùa vàng, để có những màu xanh mang bao hy vọng là cả một quá trình nỗ lực của người dân trên vùng đất lửa anh hùng…

Thắp nén hương trầm nơi nhà bia tưởng niệm, ông Nguyễn Tấn Vàng - Trưởng thôn Lâm Thượng, bộc bạch: "Lớp trẻ bây giờ khó hình dung được quê mình 38 năm về trước, bởi sau chiến tranh cả xã Đức Phong lúc đó là một miền cát trắng hoang tàn..."

Ký ức anh hùng

Nhà ông Vàng có 5 người. Năm 1965, trong một trận chống càn, anh của ông đã anh dũng hy sinh. Tin dữ dội về, mẹ của ông nước mắt chảy vào trong, nhưng vẫn âm thầm thực hiện nhiệm vụ bí mật của người cán bộ cơ sở. "Năm 1969, từ trong khu dồn dân mẹ đã xé rào, băng qua hàng kẽm gai dày đặc mìn của địch để tiếp lương thực cho anh em du kích. Rồi địch phát hiện xả đạn, mẹ hy sinh. Nhà chỉ còn 3 người. Người chị kế căm hờn dâng trào, mặc dù tuổi nhỏ nhưng vẫn xung phong tiếp tục làm công việc của mẹ. Còn cha vẫn thường ngày làm công tác của cơ sở giao cho để "trả thù cho quê hương, cho gia đình". Nhưng rồi pháo địch lại cướp đi sinh mạng của ông" - ông Vàng uất nghẹn.  

 

 Đường về xã Đức Phong hôm nay.
Đường về xã Đức Phong hôm nay.


Đâu chỉ nhà ông Vàng, xã Đức Phong có nhiều trường hợp như nhà bà Nguyễn Thị Thụy ở thôn Lâm Thượng, cả nhà có 7 người đều hoạt động cơ sở, vào bộ đội, du kích rồi lần lượt hy sinh. Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Quý có 3 người con đều là liệt sĩ…

Mất mát đau thương quá nhiều, nên người làng càng quyết tâm chiến đấu. Ông Nguyễn Văn Ba - thôn Văn Hà kể: "Đối đầu với kẻ thù đâu cần đợi tuổi. Bởi những trận càn, địch có chừa ai". Năm 15 tuổi, ông xung phong làm cơ sở hợp pháp, 16 tuổi ông thoát ly làm du kích xã, rồi sau đó được phân công làm xã đội trưởng. Cho đến giờ, người làng vẫn nhớ về người xã đội trưởng kiên cường bám địch, cùng anh em dũng cảm chống càn.  Ông Ba chỉ các vết thương trên mặt, trên tay, bảo: "Nhiều lần đối mặt với địch tưởng sẽ không về, nhưng rồi may mắn, tôi thoát chết, nhưng trên người hiện vẫn mang 11 vết thương".

 Chiến đấu kiên cường lại được lực lượng vũ trang tỉnh, huyện Mộ Đức giúp sức nên quân, dân Đức Phong từng "bẻ" nhiều trận càn lớn của địch. Năm 1964, xã Đức Phong trở thành vùng giải phóng đầu tiên của huyện Mộ Đức. Năm 1967, xã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng Huân chương Thành đồng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Đức Phong có đến 1.300 liệt sĩ, 669 thương binh và 139 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ươm mầm trên đất lửa
 

Nhớ mãi truyền thống


Ông Phạm Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy xã Đức Phong cho hay: Xã có 6 di tích lịch sử cấp tỉnh. Để giáo dục cho các thế hệ hiểu về truyền thống cách mạng quê hương, năm 2007, xã đã trích nguồn ngân sách, huy động dân cùng con em địa phương làm ăn thành đạt nơi xa đóng góp xây dựng nhà bia để tưởng nhớ các liệt sĩ của quê hương và từ mọi miền trong cả nước chiến đấu và hy sinh trên đất Đức Phong; xây dựng nhà truyền thống với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Nhà truyền thống hiện lưu giữ khoảng 100 tranh, ảnh, tư liệu hiện vật của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Trên đường từ thôn Lâm Thượng về UBND xã, nhìn con đường trải nhựa phẳng lì, thương binh hạng 2/4 Phạm Vàng thôn Văn Hà, cho hay: Vùng này xưa kia là cát trắng, lẫn mìn bom. Mùa nắng không cây gì mọc nổi. Cuộc sống khó khăn, một số bà con lần lượt bỏ quê vào Nam mưu sinh. Nhưng ông lại tự vấn mình: "Hồi chiến tranh mong có ngày hòa bình. Giờ quê hương hòa bình rồi lại bỏ xứ đi đâu?". Thế là ông lại bám trụ ở quê. Trồng mía ở phần đất của mình rồi nhận trồng luôn ở diện tích bà con bỏ quê đi làm ăn nơi khác. Ông lấy công làm lời, ngày ngày một mình bới đất lật cỏ.  Rồi đồng mía cũng lên xanh đem lại nguồn thu đáng kể. Trồng mía chừng bốn năm, ông lại cải tạo đất chuyển qua trồng mì. Hơn 1,5 ha mì cao sản hằng năm trừ chi phí mỗi mùa đem về cho ông thu nhập 70 triệu đồng.

Sự nỗ lực của ông cũng là niềm động viên để người làng hăng hái lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ cánh đồng cát, bây giờ ở Đức Phong thay vào đó là những đám mì, mía, những vuông cỏ xanh rậm rì. Nhà nhà áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò, nuôi heo với quy mô lớn để phát triển kinh tế. Ngoài phía biển, nơi tàu chiến của Mỹ từng nã pháo trong những trận càn, giờ là hồ nuôi tôm san sát.  

Lo cái ăn, cái mặc, người Đức Phong còn biết vun vén cho con cái học hành tử tế. Chứng kiến con cháu trong làng mỗi sớm đến học ở ngôi trường tạm bợ phải cầm theo chiếc đòn để ngồi, mùa mưa, trường lợp tranh vách đất, nước dột tứ bề, bà con người góp sức, góp cây, người góp tiền để xây dựng trường học. Theo thống kê của xã, hiện có 256 em là sinh viên đại học cao đẳng. Họ được học hành rồi ra trường công tác ở nhiều nơi nhưng vẫn luôn nhớ về làng quê Anh hùng…


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.