(QNg)- Theo sử sách ghi chép lại, giếng Xó La hay còn gọi là "Giếng Vua", ở thôn Đông, xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn, được xây dựng từ rất lâu. Ban đầu đây chỉ là một giếng nước nhỏ, nằm cách mép bờ biển chưa đầy 5 mét, nhưng nguồn nước ở đây quanh năm không bao giờ cạn và ngọt đến lạ thường so với hàng trăm giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo. Do đó, giếng được cư dân trên đảo từ thế hệ này sang thế hệ khác coi như báu vật của làng của xóm và quyết tâm gìn giữ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu thế kỷ XVII (1609) khi 13 vị tiền hiền của các dòng họ từ đất liền ra khai khẩn mở mang vùng đất đảo, thì giếng nước này mới được trùng tu cải tạo, mở rộng bề thế như ngày nay để phục vụ sinh hoạt cho hàng ngàn cư dân trên đảo. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tuyến kè chắn sóng Đông Nam đảo xây dựng ngang qua thì khu vực này đã bị đào bới một cách tan hoang, phá vỡ cảnh quang sẵn có trong khu vực giếng, đồng thời, tác động xấu đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây bức xúc không nhỏ cho người dân trên đảo.
Mỗi ngày có hàng trăm người dân lấy nước tại Giếng Vua về sinh hoạt |
Ông Lê Văn Hòa, một người dân ở khu dân cư số 3, thôn Đông xã An Vĩnh - người đã từng gắn bó với đảo từ vài chục năm nay bức xúc cho biết, việc mở đường làm kè thì người dân chúng tôi luôn ủng hộ. Nhưng khi thực hiện dự án phải tính đến quyền lợi, cuộc sống của người dân. "Giếng Vua" đã gắn bó với cuộc sống của tổ tiên ông bà chúng tôi từ khi ra khai khẩn mở cõi, hàng chục thế hệ trên đảo đã lớn lên bằng chính nguồn nước này. Không những thế, "Giếng Vua" còn là một di tích, là niềm tự hào của người dân, một điểm đến của khách du lịch khi ra tham quan đảo, với nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh về nguồn gốc, sự hình thành của "Giếng Vua" trong suốt bề dày lịch sử. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra như hiện nay thì "Giếng vua" đang có nguy cơ bị cạn kiệt và cuộc sống người dân trên đảo sẽ khó khăn hơn, vì thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, đặc biệt vào những tháng mùa khô sắp đến.
Còn ông Đặng Thanh Toàn (50 tuổi), ở khu dân cư số 8, thôn Tây, xã An Vĩnh thì không quản đường sá xa xôi, ngày ngày với 2 can (30 lít) trên chiếc xe đạp cà tàng, ông vượt quãng đường trên 3 cây số để xuống "Giếng Vua" lấy cho được nguồn nước quý giá cho gia đình mình sử dụng. Ông Toàn cho biết, nhà ông cũng có giếng nhưng thường xuyên bị nhiễm mặn nên chỉ để giặt giũ, tưới cây. Còn nguồn nước ăn uống ông phải xuống tận "Giếng Vua" lấy về, vì nước ở đây vừa ngọt, vừa sạch. Tuy nhiên hiện nay việc xây dựng tuyến đường nằm trong hệ thống kè chắn sóng đang có nguy cơ làm đứt mạch nước ngầm bên dưới lòng đất, lượng nước trong lòng giếng đang cạn dần.
Đơn vị thi công đang sử dụng phương tiện xe cơ giới đào bới triền đồi ngay trong khu vực Giếng Vua. |
Hiện nay, để triển khai xây dựng tuyến đường nằm trong hệ thống kè chắn sóng Đông Nam đảo Lý Sơn chạy qua khu vực này, nhiều ngày nay đơn vị thi công đã sử dụng nhiều phương tiện cơ giới ngày đêm đào bới, xẻ nát triền đồi ngay bên trong khu vực Giếng Vua, với độ sâu trung bình từ 4,5 đến 5 mét và chiều rộng hơn 10 mét, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến kết cấu lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, khi thi công xong tuyến đường này sẽ vô tình tạo ra những diện tích đất trống ngay sát bờ biển và dẫn đến hình thành bãi chứa rác thải sinh hoạt của người dân ngay trong khuôn viên giếng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bút - Chủ tịch UBND xã An Vĩnh cho biết, chính quyền cũng nhận được nhiều phản hồi từ người dân địa phương và địa phương cũng đã cử cán bộ xuống kiểm tra và có kết luận về sự tác động của tuyến đường đối với nguồn nước ngầm tại khu vực Giếng Vua. Tuy nhiên, đây là dự án do tỉnh làm chủ đầu tư nên địa phương cũng chỉ thực hiện biện pháp kiến nghị lên trên chờ giải quyết. Trước mắt địa phương đề nghị đơn vị thi công nên tạm dừng việc triển khai dự án quanh khu vực "Giếng Vua".
Bài, ảnh: Văn Mịnh