(QNĐT)- Thời gian gần đây, nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở huyện miền núi Sơn Hà có chiều hướng gia tăng. Cả hệ thống chính quyền cùng vào cuộc, nhưng xem ra vẫn chưa ngăn chặn hiệu quả hủ tục lạc hậu này…
TIN LIÊN QUAN |
---|
*“Ma men” bị nghi là… “ma rừng” !
Hơn 10 ngày nay bà Đinh Thị Thương ở làng Pa Lêu, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà phải đến trụ sở UBND xã tá túc, không dám về nhà vì bị dân làng nghi là “có đồ độc”. Nguyên nhân của những nghi ngờ này xuất phát từ lời nói của bà Thương khi say rượu và cái chết chưa rõ nguyên nhân của hai đứa trẻ trong một gia đình…
Dù đã ở tuổi 60, nhưng nhiều năm nay bà Thương không làm gương cho con cháu ra đồng lên rẫy, mà suốt ngày chỉ uống rượu say khướt. Bà nghiện rượu đến nỗi cứ có tiền là mua rượu uống bất kể đó là ngày hay đêm. Mỗi lúc con “ma men” ngấm vào máu thịt, bà Thương bắt đầu đi lang thang, nói năng lung tung, gặp ai là to tiếng với người ấy, nhất là những người có mâu thuẫn với bà.
Đôi vợ chồng trẻ trong vòng 3 ngày mất đi hai đứa con đã nghi bà Đinh Thị Thương có "cầm đồ thuốc độc". |
Một chiều tháng giêng năm Nhâm Thìn, sau khi uống vài chai rượu, bà Thương đi tìm gặp và gây sự với bà Đinh Thị A, vì trước đó giữa hai gia đình có tranh chấp ranh đất. Bà Thương tuyên bố “không sợ ai vì trong người có đồ độc”. Bà Thương còn sang nhà bà A nói rằng: “Nhà mày sẽ có người chết trong nay mai”. Câu nói này khiến cả gia đình bà A hoang mang, nghi bà Thương có “đồ độc” hay bùa gì đó nên mới dám nói thế.
Mối nghi ngờ âm ỉ trong lòng, cho đến ngày 6/2, cháu nội của bà A tên Đinh Thị Mai (5 tuổi) bị đau không rõ bệnh gì. 5 giờ sáng ngày 7/2, gia đình chuyển bé Mai đến Bệnh viện huyện Sơn Hà và thấy tình trạng nguy kịch, bệnh viện chuyển tuyến trên cấp cứu. Thế nhưng, trên đường đi cấp cứu bé Mai đã chết. Ngày 8/2, gia đình tổ chức mai táng.
Đến khoảng nửa đêm ngày 8/2, bé Đinh Thị Chi (em ruột của bé Mai) vừa tròn 1 tuổi cũng phát đau, sáng ngày 9/2 gia đình đưa đi bệnh viện Sơn Hà. Trên đường đi bé Chi đã mất.
Mối nghi ngờ về bà Thương “có đồ độc” đã bị đẩy lên đỉnh điểm. Cả gia đình, họ hàng và dân làng đều tìm bà Thương để “hỏi tội”, trừ hậu họa về sau. Chính quyền và công an đã can thiệp kịp thời, đưa bà Thương về trụ sở UBND xã Sơn Kỳ canh chừng, bảo vệ tính mạng cho bà Thương.
* “Tao say rượu nên nói bậy”
Chúng tôi đã về làng Pa Lêu, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ để tìm hiểu vấn đề này. Cả xóm nhỏ im lìm nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về “cầm đồ thuốc độc” của bà Thương ai ai cũng đều ồ lên bảo rằng: Đó là con ma rừng, phải giết để trừ hại cho dân. Chúng tôi cũng đến gia đình có hai người con mới qua đời, họ cũng bảo rằng: Chúng chẳng đau bệnh gì cả, tự dưng nửa đêm phát sốt, đưa đi cấp cấp chưa đến bệnh viện là tắt thở. “Hai đứa nó chết là do bà Thương đồ độc” – ông Đinh Văn Tỷ bác ruột của hai đứa trẻ quả quyết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Văn Trò – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kỳ cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở làng Pa Lêu, thôn Bồ Nung, lãnh đạo xã đã họp các ban ngành đoàn thể xuống cùng ăn, cùng ở với đồng bào để vận động bà con không nên nghi kỵ lẫn nhau. Con cái đau bệnh không kịp thời cứu chữa bị chết là chuyện bình thường. Thế nhưng ban đầu, họ không nghe theo. Khuyên nhủ mãi, đến nay tình hình căng thẳng có giảm rồi. Nhưng khó có thể nói rằng, dân làng đã nghe cán bộ, “tha” cho bà Thương.
Ngồi đối diện với chúng tôi, ánh mắt bà Thương sau hơn 10 ngày được đưa về trụ sở UBND xã Sơn Kỳ lánh nạn chưa hết bàng hoàng. Bà Thương bảo: “Mấy đêm nay tao không ngủ được. Tao buồn về lời nói của mình. Tao say rượu nên nói bậy, dọa bà A thôi. Cháu bà A chết do đâu tao không biết. Đó không phải do tao đâu”. Bà Thương vừa nói vừa khóc. Những giọt nước mắt của bà Thương chắc chắn ngay trong thời điểm này cả dân làng Pa Lêu chẳng ai muốn hiểu. Một thực tế nữa là không một ai tin vào những lời trên của bà Thương cả.
Từ sau khi vụ việc xảy ra, cán bộ xã Sơn Kỳ ngoài nhiệm vụ chuyên môn, mỗi ngày họ còn phải cử người canh chừng, bảo vệ bà Thương. Có nhiều khi bà Thương nhớ nhà, nhớ con cháu trốn về thăm, cả xã lại phải bỏ việc đi tìm bà về. Bởi, mối nghi ngờ trong dân làng về bà Thương là “con ma rừng” đang còn nặng nề lắm!
* Chính quyền cũng có một phần lỗi…
Ngay khi hai đứa trẻ qua đời, các ban ngành, mặt trận, hội đoàn thể đã tìm mọi cách để giúp đỡ gia đình. Từ hoạt động quyên góp lo hậu sự, đến hỗ trợ gạo ăn, cử người động viên đôi vợ chồng trẻ mất con ấy vượt qua nỗi đau. Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Đinh Văn Dép đã đến tận gia đình bà Đinh Thị A hỗ trợ 3 triệu đồng, chia sẻ mất mát; đồng thời giải thích cho hai bên gia đình hiểu được sự việc. Cán bộ tuyên giáo, dân vận còn tổ chức đến các gia đình trong làng Pa Lêu tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, để đồng bào hiểu, xóa dần nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”.
Căn nhà nhỏ này 10 ngày nay bà Thương chưa dám trở về vì bị nghi "cầm đồ thuốc độc", về nhà sẽ bị trả thù. |
Thế nhưng, theo phản ánh của chính quyền xã Sơn Kỳ, trước mắt sự việc này có thể lắng xuống, nhưng nguy cơ tìm “người có độc” để “bắt con ma” là rất cao. Bài học về vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở thôn Tà Cơm xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà xảy ra vào năm 2010 là một ví dụ. Mặc dù đã được động viên, khuyên nhủ và người bị nghi cầm đồ thuốc độc là ông Đinh Văn Nên (60 tuổi) đã an năn, hối hận; chính quyền xã đã đưa ông Nên về trụ sở “lánh nạn” hai tháng nhưng sau đó những người dân ở thôn Tà Cơm vẫn ra tay giết hại ông Nên khi ông này trở về nhà.
Ông Đinh Văn Trò – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kỳ đã thừa nhận với chúng tôi rằng: Sở dĩ bà Đinh Thị A nghi ngờ bà Thương có “đồ độc” trong người xảy ra từ giữa năm 2011. Đó là khi giữa hai gia đình bà A và bà Thương tranh chấp ranh đất với nhau. Bà A đã báo với cán bộ thôn việc này và qua hòa giải thôn đã yêu cầu bà Thương trả lại phần đất đã lấn của bà A. Từ khi có yêu cầu này, gia đình bà Thương không những không trả lại đất mà ngày càng biểu hiện thái độ thách thức gia đình bà A. Bởi vậy, trong lòng bà A đã nảy sinh nghi ngờ bà Thương có bùa – đồ độc nên mới ngang nhiên như thế. Vụ việc bà Thương uống rượu, nói bừa, dọa sẽ “làm chết 2 người” nhà bà A là đỉnh điểm châm ngòi nổ, đẩy sự nghi ngờ ấy lên cao, để rồi dẫn đến truy tìm bà Thương để “trừ hậu họa”.
Già làng Đinh Văn Ía – già làng tiêu biểu của thôn Làng Rút, xã Sơn Kỳ cho rằng: “Chính quyền xã Sơn Kỳ cũng có một phận khuyến điểm. Nếu những mâu thuẫn đất đai giữa bà Thương và bà A được chính quyền giải quyết dứt điểm thì sẽ không có sự nghi ngờ kéo dài âm ỉ giữa hai gia đình. Hơn nữa, việc bà Thương thường uống rượu quậy phá cũng cần phải nhắc nhở, sửa chữa từ trước đó. Hai việc này mà làm tốt ngay từ khi nảy sinh thì sẽ không xảy ra hậu quả như hôm nay”.
Ông Đinh Văn Đầm – trưởng thôn Bồ Nung thừa nhận có khuyết điểm khi chưa giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn trước đây giữa hai gia đình bà Thương và bà A. Ông Đầm cho biết: “Đợi cho sự việc lắng xuống, thôn, xã và huyện Sơn Hà tổ chức họp dân để giải thích và tạo cơ hội cho bà Thương xin lỗi trước dân những hành vi sai trái của mình, trả lại phần đất đã lấn chiếm của bà A. Đồng thời, hứa sửa sai không uống rượu, quậy phá, gây mất đoàn kết ở khu dân cư. Qua đó, đưa bà Thương về làng Pa Lêu đoàn tụ gia đình, sống với bà con lối xóm”.
Từ giữa năm 2011 đến nay, nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở huyện Sơn Hà có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Dép đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác xóa bỏ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độ. Đó là chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, nhưng công tác triển khai thực hiện cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thì mới mang lại hiệu quả thực thụ. Trước mắt, là việc giải quyết dứt điểm vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc tại xã Sơn Kỳ, ổn định đời sống nhân dân, tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an trên địa bàn. |
Thanh Nhị