Chính phủ "điểm mặt" 9 nguyên nhân gây TNGT

01:11, 19/11/2011
.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả TNGT trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, Chính phủ đã thẳng thắn gọi tình hình TNGT là “quốc nạn” và chỉ ra 9 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thảm họa này.
 
Yếu kém trong quản lý là nguyên nhân đầu tiên
 
Trong 9 nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT được Chính phủ chỉ ra thì nguyên nhân đầu tiên, chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; trong khi đó, các cấp ủy đảng lại chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với lĩnh vực công tác này.
 
Nguyên nhân thứ 2 là được cho là do nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm an toàn giao thông chưa thực sự quyết liệt, chưa tập trung giải quyết các giải pháp thuộc trách nhiệm được giao. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; việc triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt không bảo đảm đúng tiến độ và đúng các nội dung của quy hoạch; công tác xây dựng quy hoạch cũng như các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, nhiều văn bản chưa phù hợp với thực tế phát triển của xã hội.
 
Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội được Chính phủ đánh giá là nguyên nhân thứ 4 gây ra “Quốc nạn” về TNGT.
 
Tiếp đó, Chính phủ cho rằng, tình trạng phương tiện chở quá tải trọng cho phép dẫn đến mất an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Phương tiện giao thông tăng nhanh làm tăng mật độ phương tiện tham gia giao. So với năm 2003, ô tô tăng gấp 2,75 lần, xe máy tăng gấp 2,96 lần trong khi hạ tầng giao thông được cải thiện chưa đáng kể.
 
Nguyên nhân thứ 6, đó là công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở một số nơi chưa thật sự nghiêm túc dẫn đến một số lái xe chưa thành thạo điều khiển phương tiện đã tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông; một số lái xe thiếu ý thức, đạo đức nghề nghiệp khi tham gia giao thông.

 
 TNGT đã trở thành quốc nạn
TNGT đã trở thành quốc nạn

Trong khi đó, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tinh răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh khi xử lý vi phạm cũng là nguyên nhân góp phần làm cho tình hình TNGT thêm trầm trọng.
 
Một trong những nguyên nhân không thể không nói đến, đó là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia diễn ra phổ biến; nhiều đơn vị kinh doanh vận tải không chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông.
 
Chính phủ cũng đánh giá, công tác tuyên truyền ở nhiều nơi còn mang tính phong trào, chưa thực sự khuyến khích được người dân tích cực tham gia góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh chưa đạt kết quả…
 
Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe dẫn đến tình trạng nhờn luật, thiếu tự giác, cố tình vi phạm pháp luật và gây ra TBGT.
 
11 nguyên nhân gây ùn tắc tại các TP lớn
 
Ngoài “Quốc nạn” về TNGT thì vấn đề ùn tắc GT tại hai TP lớn là HN và TPHCM cũng được Chính phủ nghiên cứu và chỉ ra những nguyên nhân để từ đó có giải pháp khắc phục.
 
Theo đó, trong 11 nguyên nhân dẫn đến ùn tắc GT thì nguyên nhân đầu tiên được Chính phủ "chỉ mặt", vẫn là vấn đề về quản lý. Chính phủ cho rằng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và đặc biệt là hai thành phố lớn là HN và TPHCM còn chưa chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành giao thông còn nhiều hạn chế.
 
Nguyên nhân thứ 2, một nguyên nhân cũng đã được rất nhiều người nói đến, cho là khá “mấu chốt”, nay được Chính phủ chỉ ra, đó là việc triển khai di dời các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, các trụ sở cơ quan hành chính, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố chưa thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, thậm chí còn tiếp tục cho phép mở rộng các cơ sở trên trong phạm vi trung tâm thành phố.
 
Ngoài ra, công tác đền bù, xử lý vi phạm trong giải phóng mặt bằng để phục vụ đầu tư hạ tầng giao thông của nhiều địa phương còn chậm, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành dự án để đưa vào khai thác.
 
Một hiện trạng nữa, đó là tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông vận tải còn quá thấp (hiện tại chỉ chiếm khoảng 6 - 7% diện tích đất đô thị). Nhiều công trình giao thông không được đầu tư xây dựng đúng tiến độ theo kể hoạch, việc phát triển các khu đô thị không gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông khi đưa vào khai thác.
 
Việc bố trí các nút giao trên các trực tuyến hướng tâm chủ yếu là đồng mức, gây xung đột dòng phương tiện lưu thông cũng là nguyên nhân góp phần gây ùn tắc.
 
Cùng với đó, hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe thiếu về số lượng và kém về chất lượng phục vụ, đặc biệt là các điểm đỗ xe công cộng tại các khu vực nội thành cũ và hệ thống bến xe đầu mối có quy mô lớn còn thiếu.
 
Chính phủ cũng cho rằng, việc triển khai đầu tư các dự án vận tải đô thị khối lượng lớn còn quá chậm. Việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân; tình trạng sử dụng đường phố, vỉa hè làm điểm đỗ hoặc làm nơi kinh doanh điểm dỗ ô tô, giữ mô tô, xe gắn máy vẫn rất phổ biến và gây cản trở giao thông.
Việc tổ chức giao thông được Chính phủ đánh giá là chưa khoa học, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực trạng của hạ tầng giao thông đô thị.
 
Trong khi đó, Chính phủ “phàn nàn” về việc UBNDTP Hà Nội và TP chưa triển khai rộng rãi quy định việc cấm mô tô và xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp; chưa quyết liệt thực hiện việc nghiên cứu, phối hợp điều chỉnh giờ làm việc theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
Mật độ dân số tập trung đông và tiếp tục tăng nhanh tại khu vực nội thành của 2 thành phố lớn; tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân ngày càng cao được Chính phru đánh giá là một trong các nguyên nhân tác động trực tiếp đến tình hình ùn tắc giao thông ở đô thị.
 
Nguyên nhân cuối cùng được Chính phủ chỉ ra, đó là công tác xử lý vi phạm hành vi điều khiển phương tiện đi sai làn đường, đi trên hè phố, dừng đỗ sai quy định chưa được lực lượng Thanh tra giao thông và Công an tập trung xử lý quyết liệt và thường xuyên.
 
Theo VnMedia

.