Công nhân làm đường đối mặt với hiểm nguy

09:04, 16/04/2011
.

(QNg)- Trong trăm thứ nghề thì nghề làm đường là một trong những nghề gian khổ nhất. Ngày nắng cũng như ngày mưa, công nhân làm đường vẫn phải "bám" đường để lao động. Trên những cung đường, hàng ngày người công nhân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm từ không gian mà họ làm việc như bụi bặm, không khí ô nhiễm nặng, không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động...

Nếu đi qua những đoạn đường đang sửa chữa ở thành phố Quảng Ngãi trong những ngày nắng nóng này ta sẽ cảm nhận cái nắng chói chang phả từ trên trời xuống, cộng với cái nóng hầm hập từ mặt đường nhựa bỏng rát hắt lên. Không khí ngột ngạt vây quanh, nhưng vẫn có nhiều tốp công nhân đang vá đường. Những chiếc thùng phuy đầy nhựa đường đang sôi sùng sục. Công nhân dùng xẻng sâu lòng múc nhựa đường rải lên mặt đá dăm đã được xe lu đầm kỹ. Tuyến đường bị chắn lại một nửa, nên chật chội. Vì thế các chuyến xe lưu thông qua những đoạn đường này đều phải chạy với tốc độ chậm.
 
Hầu hết công nhân làm đường không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, nên thường mắc các bệnh về đường hô hấp...
Hầu hết công nhân làm đường không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động, nên thường mắc các bệnh về đường hô hấp...

Làm quen với một nhóm công nhân đang sửa tuyến đường Trần Hưng Đạo (Tp Quảng Ngãi), chúng tôi ghi nhận được nhiều thiếu thốn trong khâu an toàn vệ sinh lao động của "đội quân" làm đường này. Đối mặt với bụi bặm hàng ngày, nhưng mọi công nhân đều chỉ dùng một tấm khăn vuông gấp chéo cột hai đầu vào nón lá hoặc nón tai bèo để làm quai nón, đồng thời cũng để che mũi và miệng… tránh bụi.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh - một công nhân làm đường cho biết: "Công nhân làm đường như chúng tôi thường mắc các bệnh về phổi. Bởi hàng ngày chúng tôi đối mặt với bụi đường, bụi từ những thùng nhựa đường đen đặc. Nhưng biết thì chỉ để biết vậy thôi, chúng tôi vẫn phải làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình…". Không chỉ mắc các bệnh về đường hô hấp, công nhân làm đường còn thường bị say nắng - một căn bệnh rất nguy hiểm nếu không kịp thời cứu chữa...
 
Việc làm không thiếu, nhưng những người công nhân làm đường đều là những người chỉ đáp ứng  được các công việc cần đến sức lực. Thế nên cái công việc vất vả, nặng nhọc và rất độc hại ấy lại được tất cả những người công nhân làm đường mong đợi, đơn giản vì đó là cơ hội mưu sinh của họ.

Đời công nhân làm đường gắn liền với việc di chuyển thường xuyên. Xong cung đường này, họ sẽ tiếp tục di chuyển đến cung đường khác. Vì thế những căn nhà của họ cũng tạm bợ. Đó là những căn lán trại ghép bằng các loại vật liệu tranh tre nứa lá, hoặc những căn nhà cấp 4 lụp xụp đã xuống cấp từ lâu mà chưa được tu bổ, "sang" hơn thì được dựng bằng những tấm tole lạnh rồi phủ bạt các mặt, bên trong là những chiếc giường sơ sài bằng gỗ tạp.
 
Gian bếp thường được che chắn bằng vỏ thùng phuy. Thùng đựng nước cũng được tận dụng từ những chiếc thùng đựng nhựa đường. Hầu như họ không có khái niệm về sự an toàn khi sử dụng chúng. Và mức thu nhập của họ quá eo hẹp. Một công nhân nam khoẻ mạnh nếu đi làm đều, không có ngày nghỉ sẽ được nhận trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Công nhân nữ thu nhập kém hơn một chút.

Còn với những công nhân đã về hưu nếu khi nào công ty có nhiều việc làm, sẽ thuê họ làm thêm, ăn lương theo ngày công, với mức tiền công từ 70.000-80.000 đồng/ngày. Nhiều gia đình công nhân làm đường có tới mấy thế hệ "cha truyền con nối" nghề này. Một số ít thành viên trong các gia đình này cố gắng để vượt lên tìm cách đổi đời bằng con đường học hành, nhưng phần lớn là lại tiếp bước cha anh vào cái nghề vất vả mà nhiều độc hại.
 
Theo thống kê công nhân làm đường nhiễm các căn bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ rất cao, đồng thời các căn bệnh như viêm loét da, sạm da… làm giảm khả năng lao động. Tuy nhiên nhìn chung khắp các công trình giao thông thì thấy hầu như công nhân không được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động dù là đơn giản nhất (như chiếc khẩu trang chuyên dùng)…

Rất nhiều công nhân làm đường sau mấy chục năm gắn bó với nghề nhưng khi về hưu, lương cũng chỉ vỏn vẹn được trên triệu đồng. Chưa kể dù đã tham gia đóng bảo hiểm y tế, nhưng khi mắc bệnh hiểm nghèo tiền thuốc và điều trị của họ cũng phải tự lo.
 
Bác Trần Long - một công nhân giao thông đã nghỉ hưu bức xúc nói: "Khổ mấy rồi cũng quen vì cái nghề nó thế! Nhưng cũng buồn cho những người công nhân làm đường như chúng tôi, quanh năm suốt tháng bám đường để làm nên những công trình góp phần cho quê hương đất nước phát triển, đến khi mắc bệnh nghề nghiệp mà nằm xuống cũng chẳng được quan tâm là bao…".

         Bài, ảnh: Xuân Hiếu

.