Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều sâu

02:01, 05/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đi vào chiều sâu, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. 
 
[links()]
 
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của trung ương và khẩn trương triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
Trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTN, TC, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về PCTN, TC. Nâng cao vai trò trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, TC. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cánh hành chính phục vụ công tác PCTN, TC. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, TC ở những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong đấu tranh PCTN, TC.
 
Công tác PCTN, TC được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đi vào chiều sâu, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được thực hiện hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN tiếp tục được củng cố kiện toàn. Đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực thực hiện nghiêm, được dư luận xã hội đồng tình, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng được nâng lên.
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, TC được các cơ quan tích cực triển khai, thực hiện. Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đưa nội dung giáo dục về PCTN, TC vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên trên địa bàn tỉnh; đưa nội dung PCTN, TC vào chương trình ôn luyện, thi tuyển trong các kỳ thi tuyển công chức, viên chức của tỉnh... Phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền về công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh...
 
Vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN,  TC từng bước được phát huy. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra chương trình hành động cụ thể thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Phân công người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đảm nhận những công việc khó, những địa bàn phức tạp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy đã chỉ đạo bí thư cấp ủy các cấp thực hiện tốt việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, các đồng chí Tỉnh ủy viên, cấp ủy viên cấp huyện tham dự sinh hoạt với đảng ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ thôn, tổ dân phố. Qua đó, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền kịp thời tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân, nắm tình hình trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực PCTN, TC.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy lấy kết quả thực hiện công tác PCTN, TC làm một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Định kỳ hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ; kịp thời gợi ý các tập thể, cá nhân kiểm điểm sâu các nội dung thực hiện hiệu quả thấp hoặc để xảy ra sai phạm tại địa phương; nhận xét, đánh giá hằng năm đều có nội dung kiểm điểm thực hiện PCTN, TC. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm. Ý thức chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên.
 
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng theo Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện công tác phòng, chống “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh quán triệt, chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường kiểm tra đột xuất ở các lĩnh vực, những nơi có dư luận không tốt; thanh tra, giám sát việc thực hiện công chức, công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đến giải quyết công việc. Điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng là đã chú trọng kiểm tra, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; qua thanh tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm thì chuyển ngay vụ việc cho cơ quan chức năng xử lý, không cần phải đợi đến khi kết thúc thanh tra; tăng cường chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng quy định các tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
 
Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, việc chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, ngày càng công khai, minh bạch hơn, qua đó đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
N.Q.VIỆT
 

.