(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trà Bồng ngày càng khởi sắc. Đồng bào một lòng tin vào Đảng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đạt nhiều thành tựu
Nhìn lại chặng đường 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Chương trình hành động của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II, huyện Trà Bồng đạt được những kết quả đáng tự hào. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào DTTS có bước chuyển biến đáng kể. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đầu tư hiệu quả đã đem lại niềm tin cho đồng bào các DTTS ở huyện Trà Bồng.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc (bên trái) giới thiệu đặc sản quế Trà Bồng với các doanh nhân Ấn Độ. |
Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Bồng Hồ Văn Dũng cho biết: Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ huyện nghèo... đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội ở Trà Bồng. Huyện triển khai hàng chục mô hình khuyến nông, chuyển đổi, luân canh cây trồng, vật nuôi, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày một hiệu quả.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Trà Bồng bình quân đạt 30,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm gần 27%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45%; thương mại - dịch vụ chiếm 28%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Trà Bồng giảm xuống 33%, bình quân mỗi năm giảm gần 15% hộ nghèo. |
Mô hình kinh tế nông, lâm kết hợp được áp dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại cây trồng mới đưa vào sản xuất ngày càng nhiều, nhất là cây keo lai, lúa lai... Trong lĩnh vực chăn nuôi, bà con chuyển dần từ hình thức chăn thả truyền thống sang mô hình nuôi bán thâm canh. Nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, với đàn gia súc hàng chục con trở lên...
Trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện quốc gia; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Có 100% tuyến đường liên xã và trên 70% tuyến đường liên thôn ở Trà Bồng đã bê tông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Đến nay, Trà Bồng có một xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại đạt 11,2 tiêu chí nông thôn mới/xã. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có thêm một xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chính sách phát triển giáo dục, đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS cũng được huyện quan tâm thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được đầu tư theo hướng kiên cố, đáp ứng nhu cầu dạy học cho con em đồng bào các DTTS. Hiện Trà Bồng có 8 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chuyển biến mạnh mẽ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng lên. Hiện Trà Bồng có 7/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Văn hóa cồng chiêng của đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng luôn được gìn giữ, phát huy. |
Công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc Cor được huyện chú trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng thôn, xóm, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên...
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh khẳng định: "Huyện đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor, nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở khu dân cư và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong huyện. Đội ngũ già làng, người uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Huyện khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, gắn liền với kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh".
Nhà sàn truyền thống của đồng bào Cor ở xã Trà Hiệp. |
Bên cạnh đó, Trà Bồng còn tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển... Qua đó, phát hiện những nhân tố mới, những sáng kiến, cách làm hay để khen thưởng, động viên, nhân rộng; đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những hạn chế, thiếu sót, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Hồ Văn Thịnh cho biết thêm: "Mục tiêu đến năm 2024, huyện tập trung phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ; xây dựng trung tâm huyện đảm bảo các tiêu chí đô thị loại V; thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững; đầu tư phát triển y tế, giáo dục, văn hóa và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường và bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh, phấn đấu đến năm 2024 sẽ ngang bằng về nhiều mặt so với các huyện miền núi của tỉnh...".
Một góc thị trấn Trà Xuân hôm nay. |
Bài, ảnh: BÁ SƠN