(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 2 năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) bằng nhiều giải pháp tích cực, tạo sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị ở địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, mô hình "Văn phòng cấp xã" được vận hành tại một số địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Tinh gọn, hiệu quả
Từ ngày 1.4, Văn phòng phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) chính thức được vận hành trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Đảng ủy và UBND phường. Đây là địa phương cấp xã đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình "Văn phòng chung". Với việc phân công 3 công chức phụ trách (giảm 1 công chức so với trước đây), bước đầu cho thấy quyết tâm đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm Bùi Phú Huy cho biết: Thực hiện mô hình này, thủ tục hành chính được rút gọn, các văn bản của cấp ủy, chính quyền được quy về một mối nên xử lý nhanh, chính xác.
Mô hình "Văn phòng chung" không chỉ đem lại tiện ích cho người dân, mà còn nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền. |
Ở TP.Quảng Ngãi, phường Chánh Lộ cũng đã triển khai mô hình "Văn phòng cấp xã".
Đối với huyện Bình Sơn, đến nay có 23/25 xã, thị trấn xây dựng Đề án thành lập "Văn phòng chung" và đã có 10/25 xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình này. Bí thư Đảng ủy xã Bình Đông Huỳnh Tấn Dũng cho biết: Mô hình này đi vào hoạt động từ đầu tháng 5, giúp cho bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã nắm được tình hình chung của địa phương một cách sâu sát, cụ thể hơn, hạn chế tình trạng chồng chéo công việc giữa lãnh đạo đảng ủy, UBND xã do không nắm được lịch của nhau, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo... Mặt khác, thực hiện mô hình này còn giảm được 1 cán bộ không chuyên trách.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 7.700 người hoạt động bán chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố. Lộ trình đến năm 2021 giảm ít nhất 5 cán bộ bán chuyên trách cho mỗi cấp xã (tương đương với giảm hơn 900 người). |
Cần có chính sách hợp lý
Bước đầu thực hiện mô hình “Văn phòng chung” ở các địa phương cho thấy có sự thống nhất cao trong giải quyết công việc, giảm một số thủ tục hành chính; đồng thời giảm từ 1 - 2 cán bộ không chuyên trách. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình “Văn phòng chung” cũng làm cho một số cán bộ hiện đang làm công tác văn phòng cấp ủy lo lắng. Bởi lẽ, được tín nhiệm phụ trách công việc nặng nề và trước đó đang được trung ương xem xét công nhận công chức, nhưng khi sáp nhập những chức danh không chuyên trách này sẽ bị thiệt thòi.
Anh Nguyễn Thành Đức- Cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) bày tỏ: "Tôi công tác ở địa phương hơn 10 năm, nên mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện để chúng tôi có vị trí làm việc ổn định".
Cán bộ Văn phòng phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) xử lý công việc hằng ngày. |
Mặc dù hoạt động không chuyên trách, nhưng khối lượng công việc của những cán bộ ở cấp xã khá nhiều. Đây còn là lực lượng tạo nguồn cho cơ sở. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại con người, nhất là cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn là chủ trương đúng và là cơ hội tốt để từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Khi một người được bố trí làm nhiều việc sẽ tạo điều kiện để họ tích lũy kiến thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Vấn đề đặt ra là, cần có cơ chế, chính sách, tăng phụ cấp để số cán bộ này ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Bài, ảnh: THANH THUẬN