(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km, với 5 huyện, thành phố ven biển và hải đảo; là một trong những tỉnh, thành phố ven biển của cả nước có lực lượng ngư dân và số lượng tàu thuyền nhiều. Ngư dân Quảng Ngãi nổi tiếng có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt hải sản xa bờ, trong đó có ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Điều đáng mừng là, khi hành nghề trên biển cũng như lúc lên bờ, nhiều ngư dân là đảng viên đã phát huy vai trò gương mẫu trong chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh; biết cách vượt qua trước những khó khăn của thiên tai, nhân tai để bám biển làm ăn, thực sự là những cột mốc chủ quyền trên Biển Đông.
Khi ngư dân là đảng viên nêu gương
Về làng chài xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi được nghe ngư dân khen ngợi những nghĩa cử cao đẹp của đảng viên Lê Văn Thương, ngư dân ở thôn Tân Mỹ. Bí thư Chi bộ thôn Tân Mỹ Trần Minh kể: Có lần ra khơi, tàu vừa cập ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Lê Văn Thương phát hiện vụ việc liên quan đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, anh liền động viên bạn chài hủy phiên biển, để theo dõi và thông tin về cơ quan chức năng ở đất liền để có biện pháp ứng phó.
Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn cho ngư dân các quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển. |
Không chỉ vậy, mỗi khi hành nghề trên biển, phát hiện tàu thuyền hay ngư dân gặp nạn, anh Thương đều tận tình giúp đỡ. “Phí tổn mỗi chuyến biển gần 100 triệu đồng, nhưng với trách nhiệm của công dân, của người đảng viên, tôi luôn đặt lợi ích của quê hương, đất nước lên hàng đầu, nên khi hủy phiên biển tôi không hề suy tính thiệt hơn. Còn biển là còn nguồn sống, nên ngư dân chúng tôi phải giữ biển đảo của đất nước trong mọi hoàn cảnh”, đảng viên Lê Văn Thương chia sẻ.
Còn đảng viên Phan Trải, ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có thâm niên 20 tuổi Đảng trong hơn 40 năm bám biển làm ăn thì luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong những năm tháng hành nghề trên biển, đảng viên Phan Trải cùng ngư dân trên tàu luôn là “tai mắt” của lực lượng chức năng ở đất liền.
Giờ đây, ông Trải không còn đủ sức khỏe để đi biển, nhưng ông luôn khuyên bảo 3 người con và ngư dân trong thôn rằng, mỗi khi ra khơi không chỉ để mưu sinh cho gia đình, mà còn phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. “Ngư dân trẻ bây giờ phải luôn nhận thức rằng, mỗi con tàu được gắn lá cờ đỏ sao vàng nơi biển xa là cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khai thác hải sản phải hợp pháp, không được xâm phạm ngư trường các nước trong khu vực”, ông Trải bộc bạch.
Những suy nghĩ, việc làm của ngư dân Quảng Ngãi nói chung, những ngư dân là đảng viên nói riêng mỗi khi hành nghề trên biển là rất đáng tự hào. Chính họ đã vun đắp niềm tin, động lực để các ngư dân khác yên tâm vươn khơi bám biển làm ăn, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điển hình là ngư dân, kiêm thuyền trưởng Bùi Văn Phải, ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn).
Năm 2013, khi tàu đang khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa thì bị tàu nước ngoài bắn cháy, trong lúc hiểm nguy như vậy nhưng ngư dân Bùi Văn Phải vẫn quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên tàu, không cho bị cháy. Với hành động dũng cảm đó, ngư dân Bùi Văn Phải được Ban tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen và được Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải giới thiệu để tổ chức xem xét kết nạp vào Đảng.
Chia sẻ niềm vui khi được nhận Bằng khen của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tặng mới đây, ngư dân Nguyễn Lợi, ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) nói: Những ngư dân là đảng viên mỗi khi ra khơi đánh bắt hải sản đều thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của người đảng viên. Điều đó giúp chúng tôi học hỏi và noi theo.
“Phát triển đảng viên trong lực lượng ngư dân là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Do đó, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các chi, đảng bộ vùng ven biển xây dựng kế hoạch và đề ra chỉ tiêu phát triển đảng viên là ngư dân hằng năm. Nhưng để làm được điều đó, các cấp ủy phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho ngư dân, tăng cường công tác tuyên truyền, khảo sát nguồn lực lao động trong ngư dân”.
|
Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong ngư dân
Quảng Ngãi hiện có hơn 5.700 tàu thuyền các loại, tổng công suất hơn 1,7 triệu CV, với 35 nghìn lao động biển; trong đó có hơn 1.530 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1, với gần 16 nghìn lao động. Trong những năm qua, mặc dù các cấp ủy trong tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển đảng viên trong lực lượng ngư dân, song kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng (Đức Phổ) cho biết: Địa phương có đội tàu và lực lượng ngư dân nhiều nhất huyện Đức Phổ, với hơn 1.200 chiếc và gần 7.700 lao động, nhưng thời gian qua chỉ phát triển được 8 đảng viên là ngư dân.
Ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng vậy, với hơn 1.500 ngư dân, nhưng cũng chỉ có 10 đảng viên hành nghề trên biển. Ở huyện Lý Sơn cũng chỉ có khoảng 20 ngư dân được kết nạp vào Đảng trong những năm qua. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) Nguyễn Quốc Chinh cho rằng: Các Nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh cần phát huy vai trò và trách nhiệm trong việc bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho ngư dân, qua đó tạo nguồn đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho tổ chức xem xét kết nạp vào Đảng. Bởi lẽ, nhiều ngư dân trẻ đã thể hiện được bản lĩnh chính trị và khát vọng vươn khơi bám biển làm ăn.
Toàn tỉnh hiện có 299 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, sinh hoạt tại 12 nghiệp đoàn nghề cá, với hơn 600 đoàn viên. Bình quân mỗi tổ, đội có từ 5 – 10 chiếc tàu, với 50 – 70 lao động. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Lê Văn Sơn nhận xét: Hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá và tổ, đội sản xuất thời gian qua khá hiệu quả. Họ đã giúp đỡ lẫn nhau trong đánh bắt hải sản, cứu nạn, cứu hộ, góp phần giúp cho nhiều ngư dân yên tâm bám biển.
Bí thư Chi bộ thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) Trần Minh thường xuyên liên lạc với ngư dân để nắm bắt tình hình trên biển. |
Chia sẻ về những khó khăn đối với việc phát triển đảng viên trong lực lượng ngư dân, Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) Phan Khánh Lâm cho biết: Với những ngư dân không vướng về chính trị thì lại vướng trình độ văn hóa; nhận thức chính trị còn hạn chế, dẫn đến chưa có động lực phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Phó Trưởng Phòng trinh sát – Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 Nguyễn Tiến Minh cho biết: Những thông tin trên biển do ngư dân cung cấp, đặc biệt là ngư dân là đảng viên đều rất quý giá, cần được tiếp tục phát huy trong thời gian đến. |
Qua làm việc với một số cấp ủy đảng, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng ngư dân. Một số nơi bố trí lịch sinh hoạt Đảng định kỳ hằng tháng chưa hợp lý, nội dung sinh hoạt không gắn liền với công việc làm ăn của ngư dân, nên chưa thu hút được nhiều ngư dân trẻ phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Để khắc phục tình trạng trên, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ chỉ đạo các cấp ủy phối hợp với các nghiệp đoàn nghề cá quan tâm, giới thiệu những đoàn viên ưu tú để kết nạp vào Đảng. Chúng tôi coi đây là lực lượng ngư dân nòng cốt, vừa tham gia phát triển kinh tế biển, vừa chung tay cùng với các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) Trần Ngọc Xôn thì đưa ra giải pháp: Tỉnh ủy cần nghiên cứu ban hành nghị quyết, hoặc chỉ đạo các cấp ủy ở các xã ven biển trong tỉnh chú trọng đến công tác phát triển đảng viên trong lực lượng ngư dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho ngư dân, góp phần nâng cao nhận thức để họ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với những nghiệp đoàn, tổ đội có nhiều đảng viên thì cho phép thành lập chi bộ và tổ chức sinh hoạt phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.
Phó Ban Tổ chức Thành ủy Quảng Ngãi Đỗ Minh Thủy cho biết thêm: Phát triển đảng viên trong ngư dân là điều rất cần thiết. Bởi khi đã trở thành đảng viên thì những ngư dân này sẽ là những thủ lĩnh đi đầu trong việc thực hiện, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ngư dân.
Do đó, các tổ chức cơ sở đảng ở các xã ven biển cần phải linh động trong công tác này. Thường xuyên theo dõi, giúp đỡ những ngư dân có bản lĩnh chính trị, khát khao bám biển làm ăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, nhằm tạo nguồn cho Đảng xem xét, kết nạp. Phấn đấu trên mỗi tổ, đội tàu thuyền có ít nhất 1 đảng viên, hoặc có chi bộ đảng để phát huy vai trò của đảng viên trên các vùng biển của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Mai Hạ