Ông Từ Tân Vũ. |
(Báo Quảng Ngãi)- Đã 45 năm trôi qua, nhưng nội dung Bản Di chúc của Bác Hồ vẫn như mới viết ngày hôm qua. Càng đọc, chúng ta càng thấm thía với từng câu, từng từ trong Bản Di chúc, vì còn quá nhiều điều Bác căn dặn, mong muốn trước lúc đi xa chúng ta chưa làm được. Đó là chia sẻ của ông Từ Tân Vũ- nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bác Hồ của chúng ta viết rất nhiều văn kiện chính trị ở những thời điểm hết sức quan trọng, như Tuyên ngôn độc lập, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến... nhưng không có tài liệu nào Bác để nhiều tâm sức, thời gian như Bản Di chúc. Bác viết từ tháng 5.1965 đến giữa năm1969 mới hoàn thành. Di chúc của Bác là kết tinh của trí tuệ, tư tưởng, đạo đức cao cả, tấm lòng trong sáng, phong cách lịch lãm của Bác.
Mở đầu Di chúc, Bác nói chuyện ra đi của Bác rất nhẹ nhàng, thanh thản. Lời lẽ đơn giản nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Tại lễ truy điệu Bác, nghe những lời từ Di chúc của Người, chúng tôi vô cùng xúc động, nhưng đồng thời vẫn thấy được sự tin tưởng, lạc quan phía trước. Bởi lẽ, Bác nói, “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” . Chính điều đó đã tạo niềm tin, quyết tâm mới trong toàn quân và dân ta, biến đau thương thành sức mạnh.
Coi cống hiến, phục vụ nhân dân là mục đích
Trong Bản Di chúc, việc đầu tiên Bác đặt vấn đề là chỉnh đốn Đảng. Bác nhấn mạnh, Đảng là người lãnh đạo nên Đảng phải thật sự trong sạch vững mạnh; là người đầy tớ của nhân dân nên phải thật sự trung thành với nhân dân, với Tổ quốc. Có những đoạn trong Di chúc Bác dùng đến 10 chữ “phục vụ”. Và cuối cuộc đời Bác lại nói, tôi chỉ tiếc rằng không được tiếp tục phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Như vậy, trong Bác luôn luôn và không hề thấy Bác là người lãnh đạo, người chỉ huy, mà chỉ là người phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Học và làm theo Bác, thế hệ chúng tôi trước đây chỉ nghĩ đến cống hiến, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chúng tôi coi cái cống hiến, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng là mục đích, còn “hưởng thụ” chỉ là phương tiện. Còn nay, tôi có cảm giác, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “coi cái hưởng thụ” là mục đích sống, còn “cái cống hiến” chỉ là phương tiện. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa qua cũng là nhằm nhấn mạnh thêm một lần nữa về tư cách của người cán bộ, đảng viên phải là người phục vụ (phục vu Đảng, phục vụ nhân dân và đất nước); vừa là người lãnh đạo, nhưng vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải đặt mục đích cống hiến, phục vụ lên hàng đầu.
Phi trí bất hưng…
Đối với giáo dục, trong Di chúc chỉ nói vắn tắt nhưng hàm nghĩa rất lớn và được Bác căn dặn ở rất nhiều chỗ. Bác cho rằng, dân tộc dốt tức là một dân tộc yếu, nên Bác luôn mong muốn dân tộc ta ai ai cũng được học hành, học liên tục, học suốt đời. Ý nguyện của Bác chúng ta đã và đang thực hiện, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Việc Trung ương ban hành Nghị quyết 29 vừa rồi là một minh chứng. Ngày xưa, Lê Quí Đôn từng nói: “Phi trí là bất hưng…”.
Thời đại ngày nay, tài nguyên khoáng sản thì có hạn, nhưng tài nguyên trí tuệ thì vô hạn. Nên đất nước nào phát triển được tài nguyên trí tuệ thì mới hưng thịnh được. Vì thế, chúng ta xác định, phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài là một trong 3 khâu đột phá. Nhìn lại chặng đường đã qua, giáo dục đào tạo của ta cũng có bước phát triển khá mạnh, góp phần rất lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhưng so với yêu cầu của thời đại, yêu cầu phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay và so với các nước trong khu vực và quốc tế thì vẫn còn thấp, còn nhiều mặt yếu cần phải nỗ lực hơn nữa.
Chúng ta đã nhiều lần cải cách giáo dục nhưng kết quả mang lại còn nhiều hạn chế, do thiếu chiến lược về phát triển giáo dục căn bản và toàn diện, làm theo kiểu chắp vá. Do đó, đổi mới giáo dục hiện nay phải bắt nguồn từ đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục; đổi mới đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; đổi mới trang thiết bị, nhất là sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy.
Bác từng nói là phải xóa bỏ kiểu giáo dục nô dịch, thực hiện giáo dục cách mạng, tức là phải huy động được tính tích cực, sáng tạo của người dạy và người học, thầy giáo phải đóng vai trò chủ đạo, học sinh phải đóng vai trò tích cực, chủ động. Còn thời gian qua, thầy cô giáo chỉ làm nhiệm vụ đọc bài, học sinh thì chép bài nên rất thụ động. Giáo dục cộng đồng thì chưa được chú trọng đúng mức, nên lời của Bác căn dặn “học mãi, học liên tục” kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Vì thế, chỉ khi nào giáo dục đi được 2 chân (giáo dục trong nhà trường và giáo dục cộng đồng) thì nền giáo dục mới có thể phát triển bền vững được; dân mới giàu, nước mới mạnh như mong muốn của Bác trước khi đi xa.
Phú Đức (lược ghi)