(QNg)- Ngày 14/5/2011 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW (Chỉ thị 03) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 03, hiện nay toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang triển khai quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (Nghị quyết TƯ 4). Vì vậy, việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả Chỉ thị 03 sẽ là những bổ sung quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 4.
TIN LIÊN QUAN |
---|
TIẾP TỤC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC
Qua gần 5 năm (2007-2011) thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị (khóa X) tuy mới thu được những kết quả bước đầu, nhưng những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng người cán bộ, đảng viên có lối sống "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", "hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", là công bộc của dân, tận tụy phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân... Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mang tính tất yếu và xuyên suốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng. Ảnh: TL |
Mục đích và yêu cầu của Chỉ thị 03 là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong đời sống xã hội. Tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đây là công việc thường xuyên, là trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên. Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên...
Chỉ thị 03 đã nêu rõ 8 nhóm nội dung chủ yếu cần thực hiện trong quá trình tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó có 4 vấn đề được đặt lên hàng đầu là tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện bằng việc làm thiết thực, cụ thể trong công việc hàng ngày. Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tấm gương, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Quy định rõ trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động của tổ chức, cá nhân; lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức đảng hàng năm...
DŨNG CẢM, TRUNG THỰC TRONG TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH
Nghị quyết TƯ 4 ra đời nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng thời gian đến. Trong đó, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách là: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về tư tưởng chính trị và là tấm gương sáng về đạo đức lối sống của người cộng sản; về tự phê bình và phê bình; về phong cách làm việc gần dân, sát dân, tận tâm lo cho dân của người cán bộ cách mạng chân chính; về việc Bác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên”; về việc xác lập vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu và nghệ thuật “dụng nhân” của Người... Có thể nói, nếu tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu rộng, toàn diện và đạt kết quả, chúng ta cũng gần như đồng thời thực hiện ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết TƯ 4 là việc tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân một cách chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng với tinh thần xây dựng, đảm bảo đạt kết quả thực chất, tránh tình trạng xê xoa, nể nang... Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở, từ cán bộ cấp cao đến từng đảng viên, từ đảng viên đương chức đến đảng viên đã nghỉ hưu phải nghiêm túc trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, phải thực sự tự giác, trung thực xem xét, nhìn nhận lại mình để phát huy ưu điểm, thấy rõ khuyết điểm, tự mình sửa chữa. Để đạt được những yêu cầu đặt ra đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên phải có dũng khí, có bản lĩnh của người cộng sản trong tự phê bình và phê bình.
Lúc sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí… Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một dẫn chứng về sự gương mẫu trong tự phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có lần Bác nói: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người ta”. Từ dẫn chứng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Những lời dạy ấy thật là chí tình, chí lý. Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ thì tự mỗi người hãy học tập và làm ngay việc này đi, không tốn tiền tốn của gì cả, càng không phải chờ cơ chế, chính sách nào hết; chỉ miễn sao trong lòng chúng ta trong sáng; thật lòng vì nước, vì dân, vì Đảng; thật sự là người cộng sản.”
Thanh Toàn