Nói tới Đảng, Hồ Chí Minh ví như người cầm lái và Người khẳng định: “Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”.
1. Khái niệm Đảng ta
Đảng ta (Đảng Cộng sản Việt Nam) là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy". Ảnh minh họa |
Cách hiểu nêu trên của Đảng tại Đại hội X (4-2006) là dựa trên quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng Lao động Việt Nam được nêu lên từ Đại hội II (2-1951) đến những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, Hồ Chí Minh nêu: “Trong lúc này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một.
Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Đây không phải là khẳng định duy nhất mà là một quan điểm xuyên suốt từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Năm 1953, khi giảng giải về những vấn đề thường thức chính trị, Hồ Chí Minh viết: “Đảng Lao động Việt Nam là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu lợi ích cho cả dân tộc”, và “Đảng là Đảng của giai cấp lao động, mà cũng là Đảng của toàn dân”(1).
Năm 1957, Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”. Trong giai đoạn miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định và nhấn mạnh lại: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”(2). Năm 1965, Hồ Chí Minh tổng kết: “Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân lao động và của cả dân tộc”.
Hồ Chí Minh luôn luôn có niềm tự hào rằng: Đảng ta thật là vĩ đại! Cái vĩ đại của Đảng có nhiều lý do, trong đó có những lý do quan trọng như từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Đảng ta vĩ đại vì Đảng nhận thức sâu sắc và biến thành hành động: “hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm tới những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”(3).
Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Khi nói tới “Đảng ta”, Hồ Chí Minh vừa tuân thủ các nguyên tắc mácxít về bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vì Đảng ta là Đảng theo học thuyết Mác- Lênin, đồng thời Người có sáng tạo đặc biệt trong hoàn cảnh cụ thể của một Việt Nam thuộc địa, kinh tế nông nghiệp, giai cấp công nhân chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân cư. Sáng tạo đó thể hiện trên mấy điểm mấu chốt sau đây:
Một, Đảng ta, Đảng của giai cấp, đồng thời đảng của cả dân tộc, của toàn dân tức là cơ sở xã hội của Đảng không chỉ trong giai cấp công nhân mà là toàn thể dân tộc.
Hai, Đảng ta không chỉ có sứ mệnh là đội tiên phong của giai cấp mà còn phải trở thành trí tuệ, danh dự, lương tâm của cả dân tộc.
Ba, Đảng ta không chỉ phấn đấu vì lợi ích của Đảng mà còn phải phấn đấu vì lợi ích của cả dân tộc; không chỉ quan tâm tới vạch đường lối, hoạch định Cương lĩnh, mà phải chú tâm cả tương cà mắm muối.
Bốn, Đảng ta có nghĩa là Đảng không chỉ là niềm tin yêu của đảng viên của Đảng mà còn phải và luôn luôn là niềm tin yêu trong lòng mỗi đồng bào ta.
Tóm lại, nói tới Đảng là nói tới “biển rộng, núi cao”; là nói tới “thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no”. Làm được như vậy thì thật sự “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
2. Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, “biến người nô lệ thành người tự do”, cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy chói lòa”. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, “nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì”, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cả dân tộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành thắng lợi trong ba cuộc kháng chiến oanh liệt, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Từ năm 1986, từ hơi thở cuộc sống thực tiễn và kinh nghiệm, khát vọng của lòng dân, Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới. Thành tựu của hơn hai mươi năm đổi mới đã đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế- xã hội, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới, đặt nền tảng cho đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, để trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn.
Chúng ta tự hào về dân tộc ta- một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta- Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện- một lòng một dạ chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
3. Đảng có vững cách mạng mới thành công
Nói tới Đảng, Hồ Chí Minh ví như người cầm lái và Người khẳng định: “Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”.
Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản trong thời đại mới được tiến hành từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, rõ ràng trước hết là phải có Đảng. Không có Đảng cách mạng không thể thắng lợi, đó là một điều chắc chắn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa cứ có Đảng là cách mạng thắng lợi. Điểm cần phải nhấn mạnh trong quan điểm của Hồ Chí Minh là Đảng có vững cách mạng mới thành công. Bởi vì Đảng như người cầm lái con tàu, nếu không vững tay lái, không có trí tuệ, không dũng cảm... thì rất nhiều nguy cơ đến với con tàu: chệch hướng, đâm vào đá, lật tàu...
Thế nào là Đảng vững? Đây là câu hỏi lớn, trả lời lý luận thì không thật sự khó, nhưng biến những lý luận đó thành việc làm thật sự trong xây dựng Đảng là vô cùng khó khăn. Như Bác Hồ đã nhắc nhở, “nói thì dễ, làm thì khó”.
Muốn hiểu một Đảng vững trước hết cần nhận thức những đặc điểm lớn của một Đảng cầm quyền. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” xuất hiện từ sớm trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Đặc biệt, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, có thể nói nỗi bận tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền. Nỗi bận tâm này theo suốt cuộc đời Người đến tận trước lúc đi xa, Người vẫn trăn trở về “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”.
Cũng là Đảng ta, nhưng khi chưa cầm quyền thì nhiệm vụ to nhất của Đảng là lãnh đạo cả dân tộc vùng dậy lật đổ ách thống trị của của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhưng khi có chính quyền trong tay- Đảng cầm quyền- thì nhiệm vụ lớn nhất của Đảng là giữ vững chính quyền và xây dựng đất nước. Theo Lênin, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Theo Hồ Chí Minh, “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”(4).
Bước vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, Người căn dặn cử tri Hà Nội: “Chúng ta đoàn kết quyết tâm kháng chiến, đến chín năm đã thắng lợi. Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới gian nan phức tạp hơn việc đánh giặc”(5). Trong Di chúc, Hồ Chí Minh xác định công việc chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ. Hiện nay vẫn còn tư tưởng chủ quan, duy ý chí cho rằng công việc xây dựng trong đổi mới dễ hơn việc đánh giặc.
Nhận thức như vậy là trái với tư duy Hồ Chí Minh. Chúng ta phải có niềm tin chắc chắn cuối cùng cách mạng sẽ thành công với một trong những điều kiện tiên quyết là Đảng vững. Chúng ta, có quyền khẳng định rằng trước đây cha ông chúng ta làm được thì ngày nay cháu con phải quyết tâm thực hiện bằng được theo tinh thần “các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhưng điều đó không có nghĩa là công cuộc “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” là dễ hơn việc đánh giặc.
Theo lối suy nghĩ giản đơn, chủ quan, duy ý chí mà từ năm 1986, khi bước vào đổi mới, Đảng ta đã kết luận, chúng ta đã phải trả giá đắt để có được tư duy đổi mới. Ngày nay, sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam không còn đất cho kiểu tư duy cũ, trượt theo lối suy nghĩ manh mún, giản đơn của đầu óc trong một đất nước tiểu nông.
Nhiệm vụ xây dựng nặng nề. phức tạp hơn nhiệm vụ xóa bỏ vì cách mạng là hướng tới tương lai. Theo quy luật, thành quả hôm nay phải lớn hơn thành quả hôm qua và thành quả ngày mai, trong tương lai, phải lớn hơn thành quả hôm nay. Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới lại càng khó khăn, gian nan, phức tạp hơn nhiều. Mô thức chủ nghĩa xã hội (mô hình, cách thức, phương pháp) hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử. Ví như thiết kế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn chưa có trong tư duy của Đảng khi Đảng ra đời và trong suốt các giai đoạn tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kể cả những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảng cầm quyền không đơn giản chỉ là lãnh đạo đất nước khi đã có chính quyền trong tay. Đây là cả một đại vấn đề, liên quan tới trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, phương thức lãnh đạo, không chỉ đối nội mà còn đối ngoại trong một thế giới đa cực, luôn luôn vận động, đổi thay, nhiều thay đổi, xoay chuyển khó lường.
Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng hoàn toàn Đảng không thể đứng trên Nhà nước, đứng ngoài pháp luật. Ngược lại, một vấn đề lớn đặt ra là Đảng phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có hạt nhân là pháp luật, sự hoàn thiện, tính khoa học, nghiêm minh của pháp luật. Đôi khi người ta nói tới tính tối thượng của pháp luật theo nghĩa đầy đủ, toàn diện của khái niệm này.
Điểm qua mấy nét lớn về Đảng cầm quyền như vậy để thấy rằng, luận điểm “Đảng có vững cách mạng mới thành công” cần được thấu triệt từ Trung ương xuống tới cơ sở, đến tận mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vì, thực chất Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta như Bác Hồ giải thích. Mỗi chúng ta lớn mạnh thì Đảng lớn mạnh. Cán bộ, đảng viên kém thì Đảng yếu. Mọi sự thành bại của Đảng, của cách mạng đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém.
Đảng vững cần nhiều yếu tố, ở đây chỉ xin nêu hai điểm cốt yếu.
Một là, theo Hồ Chí Minh, Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa “làm cốt”. Đó là tư tưởng cách mạng và khoa học lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Chúng ta cần khẳng định và nhấn mạnh rằng, tuy thế giới đã, đang và sẽ còn nhiều đổi thay, nhưng tinh thần, những quan điểm có tính nguyên tắc, phương pháp, phong cách trong di sản Hồ Chí Minh không hề thay đổi.
Dưới ánh sáng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy thực tiễn Việt Nam làm điểm xuất phát, nắm bắt và bám sát xu thế của thời đại, Đảng phải đưa ra được Cương lĩnh mang tính khoa học và cách mạng, lấy cải tạo hiện thực Việt Nam làm mục tiêu. Cương lĩnh của Đảng phải thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng của một đảng chân chính và cách mạng, trong mọi tình huống phức tạp, mọi bước ngoặt hiểm nghèo luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đảng phải có một trí tuệ và bản lĩnh biết và dám huy động sức mạnh của toàn dân tộc theo tinh thần “Hội nghị Diên Hồng” và sức mạnh thời đại, chống những tư tưởng lệch lạc “tả- hữu”, chống cơ hội dưới mọi màu sắc, chống xét lại, chống giáo điều, bảo thủ, nôn nóng, chủ quan duy ý chí. Trên cơ sở đặc điểm của bối cảnh thế giới và trong nước, Đảng phải có khả năng dự báo khoa học các chiều hướng có thể xảy ra, vừa cứng rắn về nguyên tắc, chiến lược vừa mềm dẻo về sách lược, linh hoạt về biện pháp và con đường, dám quyết định những vấn đề liên quan tới vận mệnh của dân tộc.
Hai là, đội ngũ cán bộ đảng viên dám phụ trách, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Họ phải là những người không tham quyền cố vị, nếu đảm nhiệm một chức vụ nào đó phải quan niệm đúng đắn rằng quyền hạn đó là nhân dân ủy thác thì phải gắng hết sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, Ngày nay, cán bộ, đảng viên phải là những người có phẩm chất đạo đức, có năng lực trí tuệ, có bản lĩnh chính trị, văn hóa, có phương pháp và phong cách làm việc khoa học, gần dân, học dân, hiểu dân, không quan liêu, mệnh lệnh. Bởi vì, như Bác Hồ đã dạy, xa dân, chẳng khác gì đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.
Các cơ sở đảng phải kịp thời xem xét, có cách xử lý, thậm chí loại bỏ ngay khỏi đội ngũ của mình những cán bộ, đảng viên nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo; những cán bộ đảng viên đùn đẩy trách nhiệm, dễ làm khó bỏ; những người kém năng lực chuyên môn, tài không xứng chức; những người xu nịnh a dua, theo gió bẻ buồm, không có khí khái, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”. Bởi vì, như Hồ Chí Minh đã dạy, nếu trong đội ngũ của Đảng còn có những đảng viên cán bộ, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Đó là một thất bại cho Đảng.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Đảng ta ra đời, càng tự hào với Đảng quang vinh đã lãnh đạo dân tộc làm nên bao kỳ tích bao nhiêu, càng trăn trở, đau lòng bấy nhiêu với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền, do thoái hoá biến chất, đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm hoen ố hình ảnh của một đảng đạo đức, văn minh. Chúng ta tin tưởng rằng, với nhận thức cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân là chủ, Đảng ta sẽ tiếp tục ghi lên lá cờ của mình những điều huyền thoại, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Theo Bùi Nguyễn (Tạp chí TG)